Tư lệnh Mỹ lại 'đốt nóng' biển Đông

Đô đốc Mỹ Harry Harris đi ngang bức ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Ảnh: AP
Đô đốc Mỹ Harry Harris đi ngang bức ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Ảnh: AP
TP - Washington sẵn sàng đối đầu Bắc Kinh nếu Trung Quốc tiếp tục theo đuổi những đòi hỏi chủ quyền quá mức trên biển Đông, Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ hôm qua tuyên bố. Trong khi đó, vấn đề Đài Loan có vẻ đang nóng hơn biển Đông trong quan hệ Mỹ - Trung.

Mỹ vẫn kêu gọi Trung Quốc tôn trọng kết luận của Tòa trọng tài quốc tế tại La Hay, Hà Lan, đưa ra hồi tháng 7, trong đó phủ nhận những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết vùng biển Đông chiến lược. Nhưng Bắc Kinh vẫn tiếp tục hành động theo cách “hung hăng”, và Mỹ đã sẵn sàng đáp trả, Reuters dẫn lời Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, nói trong bài phát biểu hôm qua tại Sydney, Úc.

“Chúng tôi sẽ không cho phép vùng biển chung bị đóng lại một cách đơn phương bất kể bao nhiêu căn cứ được dựng lên trên các đảo nhân tạo ở biển Đông”, Đô đốc Harris nói. Ông cũng khẳng định “Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác khi có thể, nhưng cũng sẵn sàng đáp trả khi phải làm như vậy”.

Phát biểu này có khả năng sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ hai nước vốn đang nóng lên sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có cuộc nói chuyện qua điện thoại với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đầu tháng này và dọa từ bỏ chính sách “Một Trung Quốc”. Trả lời câu hỏi về phát biểu của ông Harris, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng trả lời một cách kiềm chế rằng, tình hình trên biển Đông đang ổn định “nhờ nỗ lực của Trung Quốc và các nước khác trong khu vực”.

Ông Harris cũng nói chính phủ Úc nên quyết định có tự thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải trên biển Đông hay không, còn Mỹ sẽ vẫn tiếp tục hoạt động này.

Trong khi đó, Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc hôm qua nói rằng, bất kỳ sự can thiệp hay gây tổn hại nào với chính sách “Một Trung Quốc” cũng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.

Trước đó, ông Trump nói rằng, Mỹ không nhất thiết phải duy trì quan điểm lâu nay rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc, khiến Bắc Kinh bày tỏ quan ngại nghiêm trọng. Ông An Fengshan, Người phát ngôn của Văn phòng các vấn đề Đài Loan, phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ hôm qua rằng, vấn đề Đài Loan là vấn đề liên quan chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

“Duy trì nguyên tắc “Một Trung Quốc” là nền tảng chính trị để phát triển quan hệ Trung - Mỹ và là nền tảng cho hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan”, ông An nói. Ông này cũng tuyên bố, “nếu nền tảng này bị can thiệp hay tổn hại thì sự phát triển ổn định và lành mạnh của quan hệ Trung - Mỹ không còn nữa, và hòa bình, ổn định ở eo biển Đài Loan sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Vỡ mộng

Dù những động thái nói trên của ông Trump tấn công trực tiếp vào Trung Quốc, nhưng giới chuyên gia đánh giá Bắc Kinh đến nay vẫn khá kiềm chế. “Trò chơi của Trung Quốc hiện nay là tác động, chứ không phải đối kháng với ông ấy”, một nhà ngoại giao phương Tây tại Bắc Kinh nhận định.

Trung Quốc tin rằng hai nước cần nhau, và ông Trump là người làm ăn nên ông ấy hiểu điều đó, báo Trung Quốc People’s Daily (Nhân dân Nhật báo) viết. “Tầm quan trọng của quan hệ Trung - Mỹ không cần bàn cãi, và có thể nói quan hệ đó quá lớn để sụp đổ”, tờ báo thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc viết trong bài bình luận đăng gần đây. Trung Quốc cũng mong muốn có một quan hệ giao dịch với ông Trump, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, dù đối với Bắc Kinh, hoàn toàn không thể đặt Đài Loan lên bàn đàm phán.

Nhận xét phát biểu của ông Trump về vấn đề Đài Loan, một nguồn tin thân cận với lãnh đạo Trung Quốc cho đó là sự khiêu khích, “nhưng chiến tranh không có khả năng xảy ra”.

Theo ông Wang Huiyao, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa và là một chuyên gia tư vấn cho chính phủ, Trung Quốc nên mời Mỹ tham gia Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á do Bắc Kinh dẫn dắt. “Ông ấy sẽ theo đuổi những lợi ích của Mỹ và để làm như vậy, ông ấy không thể bỏ qua những lợi ích lớn từ quan hệ thương mại Trung - Mỹ”, ông Wang nói.

Một nhà ngoại giao châu Á tiết lộ, một số quan chức Trung Quốc đã tỏ ra “hưng phấn” sau khi ông Trump đắc cử, vì họ tin rằng thắng lợi đó đánh dấu chấm hết cho sự thống trị của Mỹ trên thế giới và tạo cơ hội cho Trung Quốc nắm lấy vai trò đi đầu. Nhưng bước đi bất ngờ của ông Trump nhằm đưa vấn đề Đài Loan vào vị trí trung tâm trong quan hệ với Trung Quốc đã chấm dứt kỳ vọng đó. “Họ giờ không còn vui nữa”, nhà ngoại giao nói với Reuters.

Đô đốc Harry Harris từng đề xuất khôi phục một liên minh chiến lược không chính thức giữa hải quân Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ để cân bằng với sự mở rộng của Trung Quốc, The New York Times đưa tin. Tháng trước, ông Harris tuyên bố, Mỹ sẽ duy trì cam kết đối với các đồng minh tại châu Á-Thái Bình Dương cũng như củng cố quan hệ quân sự với các đối tác.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.