Ông Yasuhisa Kawamura cho biết, Hội thảo “Hướng đến những vùng biển mở và tự do ở châu Á: Hợp tác quốc tế và thượng tôn pháp luật” được tổ chức tại Hà Nội ngày 29/11 nhằm tìm ra những biện pháp đối phó tình trạng phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về vụ kiện liên quan tranh chấp trên biển Đông không được thực thi.
Ông Yasuhisa cho rằng, trong lúc vẫn có những nỗ lực đơn phương đang tiếp diễn nhằm thay đổi hiện trạng, đặc biệt trên khu vực biển Đông và Hoa Đông, phán quyết của Tòa trọng tài đưa ra hồi tháng 7 vẫn chưa được thực thi. Ông Yasuhisa khẳng định, quan điểm của Nhật Bản về vấn đề này rất rõ ràng và nhất quán: phán quyết của Tòa trọng tài là cuối cùng và ràng buộc về pháp lý, Trung Quốc và Philippines cần tuân thủ. Đồng thời, các nước đó cần trao đổi chặt chẽ với các quốc gia liên quan khác như Việt Nam để phán quyết được hiểu rõ ràng và thực hiện nghiêm túc.
Đại diện Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, Tokyo vẫn đang hỗ trợ các nước Asean tăng cường năng lực trên biển. Sau khi cung cấp 6 tàu tuần tra đã qua sử dụng cho Việt Nam, phía Nhật Bản đang xem xét việc cung cấp các tàu tuần tra mới cho Việt Nam. Nhật Bản cũng sẽ cung cấp các radar, máy phát điện cho Việt Nam. Ngoài ra, Nhật Bản đã có thỏa thuận cung cấp cho Philippines 12 tàu tuần duyên, 2 tàu trong số đó đã được bàn giao. Nhật Bản cũng có các thỏa thuận tương tự với Malaysia và Indonesia.
Liên minh Mỹ - Nhật sẽ vẫn là nền tảng an ninh ở châu Á
Nhật Bản tin rằng, liên minh Mỹ - Nhật vẫn tiếp tục đóng vai trò nền tảng trong việc duy trì an ninh, ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Yasuhisa Kawamura nói với các phóng viên sau khi hội thảo kết thúc. Sau khi Mỹ có tổng thống mới, Tokyo sẽ làm việc chặt chẽ với Washington để tiếp tục duy trì môi trường hoà bình, ổn định trong khu vực.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Tiền Phong rằng, nếu Mỹ dưới thời tổng thống mới không còn quan tâm đến vấn đề biển Đông, Nhật Bản sẽ làm gì để giữ biển Đông là vùng biển mở và tự do cho tất cả các nước, ông Yasuhisa nói rằng, vẫn còn quá sớm để đoán về chính sách của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump với châu Á sẽ như thế nào vì ông ấy chưa chính thức nhậm chức. Nhưng ông Yasuhisa cho rằng, quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật sẽ vẫn là nền tảng cho việc duy trì hòa bình, ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương. Dù tổng thống mới của Mỹ là ai, Tokyo vẫn trông đợi sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác với Mỹ vì hòa bình, ổn định ở khu vực, ông Yasuhisa nói.
Về cuộc gặp gần đây của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với ông Trump, ông Yasuhisa nói rằng, đó là cuộc gặp không chính thức và các chi tiết không được công bố. Nhưng Thủ tướng Abe sau đó bày tỏ tin tưởng có thể xây dựng mối quan hệ tin cậy với ông Trump trong những năm tới. Nhìn chung, Nhật Bản và Mỹ đã xây dựng quan hệ hợp tác quốc phòng dựa trên nguyên tắc chia sẻ gánh nặng. Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật khẳng định sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Nhật Bản là vì hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chứ không giới hạn trong vấn đề quốc phòng của Nhật Bản. “Cho đến nay, hai nước đã trải qua nhiều thập kỷ phối hợp theo hiệp ước. Hai bên chia sẻ chi phí cho những hoạt động như vậy. Tôi không nắm được tỷ lệ cụ thể, nhưng mức chi trả của Nhật cao hơn các đồng minh khác của Mỹ”, ông Yasuhisa nói.
Trả lời câu hỏi về quan điểm của Nhật Bản sau khi ông Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Yasuhisa Kawamura khẳng định lại cam kết của lãnh đạo 12 nền kinh tế APEC về việc thúc đẩy phê chuẩn TPP tại từng nước. Hạ viện Nhật Bản đã thông qua TPP, còn Thượng viện đang xem xét. Nhật Bản vẫn hy vọng TPP sẽ sớm được đưa vào thực tế, ông Yasuhisa nói.