Tại buổi tọa đàm “Minh bạch - Hiệu quả BOT, cách nào?” do Báo Tiền phong tổ chức ngày 9/6, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - TS Nguyễn Đình Cung đã bày tỏ quan điểm. Ông Cung nói, tôi đọc loạt 6 - 7 bài của Tiền Phong và cũng thấy dư luận xã hội rất quan tâm đến phí BOT giao thông. Nói đến BOT thì chúng ta phải nhìn rộng hơn.
Tức là người dân hiện không phải chỉ nộp phí BOT mà còn nộp thuế, nộp đủ các loại phí khác. Dân đã đóng góp vào việc phát triển hạ tầng bằng nhiều cách, nhiều phương diện thông qua thuế, phí. Tôi nghĩ rằng đây là điểm cần phải xem xét, chứ không phải chỉ có phí BOT. Vì vậy, mình đặt BOT trong mối quan hệ với người dân và doanh nghiệp đã nộp thuế, đã đóng góp nhiều thứ khác trong việc phát triển hạ tầng.
Điểm thứ hai là chúng ta cần cân đối giữa việc phát triển hạ tầng này với phát triển khác, giữa BOT và những rủi ro cân đối vĩ mô. Khi chúng ta tập trung quá nhiều vốn tín dụng vào phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức BOT bằng vốn vay thì mất cân đối giữa các khoản tiền, các khoản vay, dẫn đến rủi ro tài chính. Vừa qua, phần lớn vay vốn ngân hàng để đầu tư BOT. Nó không chỉ làm tăng suất đầu tư, tăng phí mà còn là rủi ro của nền kinh tế.
Các doanh nghiệp đầu tư BOT chủ yếu là nhà thầu chứ không phải nhà đầu tư và như vậy thì họ chịu rủi ro rất nhỏ. Có thể nói là nhà đầu tư “tay không bắt giặc”. Nhà đầu tư không có nhiều vốn chủ sở hữu mà chủ yếu đi vay ngân hàng, họ vừa rủi ro ít, vừa thu lợi nhiều.
Theo ông Cung, có nhiều cách tốt hơn như nhà nước phát hành trái phiếu Chính phủ để đầu tư. Đó là một cách tốt hơn, quản lý minh bạch hơn. Đằng nào cũng là vốn vay, nhưng lãi suất trái phiếu Chính phủ chắc chắn thấp hơn lãi suất tại các dự án BOT.
"Tôi không phản đối BOT, tôi cho rằng BOT là một cách tốt, nhưng chỉ là bổ sung thêm trong vốn của nhà nước để đầu tư phát triển hạ tầng. Chứ BOT không phải đóng một vai trò chính", TS Cung nói.
Cũng theo TS Cung, vai trò của các cơ quan nhà nước, đặc biệt Bộ GTVT nên là điều tiết thị trường, hơn là đứng về phía nhà đầu tư. Điều tiết thị trường giữa chủ đầu tư và người tiêu dùng, đứng ở vế bảo vệ nhiều hơn lợi ích của người tiêu dùng, người dân và doanh nghiệp hơn là đứng về phía nhà đầu tư.
Tuy nhiên, vai trò đó phải dựa trên hệ thống chính sách, chính sách này do Chính phủ, Quốc hội ban hành nhưng khi thực hiện thì phải luôn luôn “đè” nhà đầu tư. Để yêu cầu nhà đầu tư làm một cách tốt nhất, hiệu quả nhất, cung ứng dịch vụ với giá thấp nhất có thể được. Ví như suất đầu tư khoảng từ 5 đến 10 đồng, thì cơ quan Nhà nước giám sát phải buộc họ làm trong phạm vi tối đa là 5 đồng chứ không phải duyệt mức đầu tư lên 10 đồng hay cao hơn nữa.