Tiếc là chưa có điều tra nào của cơ quan nhà nước về hậu quả môi trường dù các dự án FDI góp công không nhỏ đưa Việt Nam thoát nghèo. Nhưng, những gì người trần mắt thịt nhìn thấy và mấy điều tra đơn lẻ mới đây cũng phần nào cho thấy hậu quả này.
Có thể kể đến điều tra của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương năm 2011-2015, điều tra của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội năm 2014-2015 đối với 80 doanh nghiệp tại 5 tỉnh thành có lượng vốn và dự án FDI nhiều nhất Việt Nam.
Cứ 8 trong số 10 doanh nghiệp FDI được hỏi thừa nhận có quan tâm đến môi trường khi cân nhắc đầu tư vào Việt Nam. Tìm hiểu các quy định ở Việt Nam không quá phức tạp do rất nhiều đơn vị tư vấn có thể giúp họ vấn đề này.
Tại sao có tìm hiểu mà không ít doanh nghiệp FDI vẫn liên tục xả thải như thể dân Việt Nam không sợ ô nhiễm như vụ Vedan sản xuất bột ngọt bên bờ sông Thị Vải ở Đồng Nai hay vụ Tungkwang sản xuất khung nhôm ở Hải Dương? Và liên tiếp những vụ gần đây mà từ khóa doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm khiến báo chí tốn không ít giấy mực. Ví dụ như trong báo cáo đầu tư của một siêu dự án 7,8 tỷ USD đề cập đến cam kết bảo vệ môi trường như kiểu hớt váng. Mục “Hệ thống xử lý nước thải” trong báo cáo dài chưa đầy 12 dòng, trong đó, năm dòng giải trình về “dự kiến”, bốn dòng về “nước thải sinh hóa”, và hai dòng về “nước thải công nghiệp”.
Hóa ra, để giảm chi phí, nhà đầu tư không chỉ khai thác các yếu tố mà ta thường tự hào là lưng vốn để hội nhập như lao động giá rẻ, xuất khẩu tại chỗ, chi phí vận hành và quản lý rẻ. Họ tìm cách giảm chi phí hơn nữa nhờ tấn công vào điểm yếu cố hữu đó là: Quản lý môi trường lỏng lẻo và các tiêu chuẩn môi trường thấp.
Các quan chức có vẻ yên tâm khi thấy tất cả các doanh nghiệp FDI được hỏi không chỉ làm báo cáo đánh giá tác động môi trường với chi phí thực hiện dao động từ 60-220 triệu đồng/báo cáo mà còn nộp đánh giá hiện trạng môi trường định kỳ sáu tháng/lần với chi phí 20 triệu đồng/năm. Song điều tra của trường ĐH KTQD cho thấy tất cả các doanh nghiệp FDI được hỏi đều thú nhận tiết kiệm được chi phí môi trường ở VN so với ở chính quốc ít nhất 10% và nhiều nhất lên tới 50%.
Chừng nào còn nặng về mục tiêu công nghiệp hóa và tăng trưởng kinh tế thông qua FDI, chừng đó chúng ta có lẽ vẫn lặng im trước cảnh 95% thiết bị của các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam được sản xuất trước năm 2000, tức cách đây 16 năm trở về trước.