Bãi biển đẹp và sạch, không bán hàng rong, không tệ nạn, một thành phố đáng sống, văn minh, an toàn và thân thiện với du khách. Quy hoạch kiến trúc hai bên bờ sông Hàn dường như cũng khá chuyên nghiệp, ngắm dòng sông này từ trên cao, nhất là vào ban đêm, thấy có bàn tay của kiến trúc sư và hơn đứt cảnh quan lộn xộn của nhiều thành phố lớn khác trên cả nước.
Vậy nên cũng dễ hiểu khi chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ phải thốt lên tại buổi họp báo về vụ tàu chìm rằng, đây là một “thảm họa” đối với du lịch Đà Nẵng. Tuy chỉ có 3 người chết, nhưng “thảm họa” ở chỗ, trời không mưa không gió, tức không phải thiên tai mà chính là nhân tai khiến con tàu chở 56 du khách bỗng dưng lật úp giữa sông Hàn.
“Thảm họa” vì chìm rồi mới hay đây là tàu không phép, vốn là tàu cá hoán cải lại, xuất bến cách cảng vụ Đà Nẵng đâu có dăm chục mét mà không ai biết (?!). “Thảm họa” vì tàu lật rồi, nhấn chìm 56 con người rồi, mới biết nó chở quá tải gấp đúng 2 lần tải trọng cho phép; trên tàu chẳng ai mặc áo phao theo quy định, bó áo phao được lực lượng cứu hộ tìm thấy còn nguyên trong hầm tàu.
Và trên hết, hình ảnh về du lịch của Đà Nẵng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau vụ lật tàu với hàng loạt những hành vi làm bừa, làm ẩu, tắc trách, coi thường tính mạng du khách bị phơi lộ, từ chủ tàu tới các cơ quan chức năng có liên quan.
Sau những nỗ lực cứu hộ trắng đêm, giờ là lúc cần thiết phải làm rõ trách nhiệm. Đương nhiên, chủ tàu, lái tàu và những kẻ kinh doanh coi thường tính mạng du khách sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Nhưng tin chắc rằng, rồi đây Đà Nẵng sẽ phải mổ xẻ mọi nguyên nhân, quy trách nhiệm tới nơi tới chốn trong việc để xảy ra “thảm họa” này, hòng tìm ra những lỗ hổng trong quản lý hoạt động du lịch, ngăn chặn sự tái diễn trong tương lai. Chỉ có như vậy, những vụ chìm tàu chấn động dư luận như Dìn Ký trên sông Sài Gòn cách đây mấy năm, hay Thảo Vân 2 trên sông Hàn bây giờ, mới không có cơ hội lặp lại.
Đằng sau một sự cố, một thảm họa, luôn có trách nhiệm không nhỏ của người đứng đầu cơ quan chức năng.