Hai nạn nhân khác chưa qua tuổi 16. Trước đó, ngày 15/4, 9 học sinh (lớp 6-8) chết đuối tại sông Trà Khúc thuộc thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà, TP. Quảng Ngãi. Và còn nhiều con số đau lòng khác…
Đưa ra các con số, có thể có ai đó nói chúng chưa thể hiện điều gì, bởi bất cứ quốc gia nào, dù là tân tiến đến đâu, cũng có tỷ lệ nhất định về tỷ lệ trẻ em tử vong với nhiều nguyên nhân. Dưới góc nhìn khoa học, luôn có một số tỷ lệ mà chúng ta buộc phải chấp nhận.
Nhưng theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 6.400 người bị đuối nước (trong đó hơn 50% là trẻ em và trẻ vị thành niên). Trung bình, mỗi năm nước ta có khoảng 3.500 trẻ bị chết đuối, nghĩa là có khoảng 9 trẻ tử vong do đuối nước mỗi ngày.
Đó mới chỉ là tai nạn đuối nước. Còn theo UNICEF, tại Việt Nam, hiện còn hơn 90 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong mỗi ngày và 50 trẻ trong số này tử vong trong 28 ngày đầu đời. Mặc dù tỷ lệ tử vong trẻ em ở nước ta tiếp tục giảm, nhưng điều quan trọng là vẫn còn cao so với các nước tiên tiến trong khu vực.
Cụ thể, theo một đánh giá của UNICEF năm 2014, mặc dù gần đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nhưng tỷ suất tử vong trẻ em ở Việt Nam vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore.
Nếu nhìn trên bản đồ tỷ lệ trẻ sơ sinh thế giới, sẽ thấy Việt Nam nằm ở nhóm “màu xanh”, tức là trong nhóm khá (khoảng 15-20 ‰), trong khu vực còn thua Thái Lan, Malaysia, Singapore, tất nhiên còn thua xa các nước phát triển (dưới 10‰).
Điều đó cho thấy, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của nước ta có nhiều bước tiến, tuy nhiên, chúng ta có thể làm tốt hơn nữa. Một số chuyên gia cho rằng, trong khi tại các thành phố lớn, trẻ em được chăm sóc tốt, thì ở rất nhiều vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, công tác này còn nhiều hạn chế, nhất là trong khâu thông tin, tuyên truyền.
Những con số không chỉ là thống kê mà cho thấy chúng ta còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa vì thế hệ tương lai.