Ưu đãi hay bạc đãi?

TP - Câu chuyện tiến sĩ lương 3 triệu đồng/tháng và “những cuộc tháo chạy” khỏi các viện nghiên cứu khiến nhiều người phải suy ngẫm.

GS Nguyễn Hữu Việt Hưng (khoa Toán, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội) khi nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2014 kể chuyện 40 năm trước, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi được giữ lại trường làm giảng viên. Đó là một vinh dự tột bậc, không ai trong số chúng tôi từ chối vinh dự ấy nhưng bây giờ số người từ chối cái mà tôi vẫn muốn gọi là vinh dự ấy lại khá nhiều. 

Những năm gần đây tôi có mời một số sinh viên giỏi ở lại trường nhưng nhiều người từ chối. Điều đó chứng tỏ tiền lương, đãi ngộ cho các nhà khoa học trẻ hiện nay không duy trì được cuộc sống. Mức lương đại học là hơn hai triệu, lương tiến sỹ khoảng 3,5 triệu đồng trong khi các quốc gia bên cạnh Việt Nam, đầu tư cho khoa học gấp vài chục đến vài trăm lần”.

Phải chăng Việt Nam đầu tư cho nghiên cứu quá ít? Theo quy định, chi ngân sách KHCN hàng năm vào khoảng 2% tổng chi ngân sách (con số thực tế trên dưới 1,5% - PV), năm 2015 là 17.200 tỷ đồng. Tính bình quân trên đầu người, đầu tư cho KHCN ở Việt Nam thấp so với nhiều nước trong khu vực. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh của đất nước, quy định chi 2% ngân sách quốc gia cho KHCN đã là một sự “ưu tiên”. Và trong điều kiện bội chi ngân sách như hiện nay, việc tăng chi cho nghiên cứu KHCN để tăng lương cơ bản cho cán bộ có vẻ ít tính khả thi?

Vậy làm sao để giữ chân được người giỏi? Chính phủ đã ban hành Nghị định 40 về trọng dụng sử dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ nhưng thực tế những chính sách này chủ yếu vẫn nằm trên giấy. Tình trạng chảy máu chất xám có lẽ rất khó ngăn chặn khi mà nghị định mới chỉ ưu ái số rất ít nhà khoa học tinh hoa (nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học thực hiện nhiệm vụ quốc gia đặc biệt quan trọng và nhà khoa học trẻ tài năng).

Có một giải pháp được chuyên gia kiến nghị nhiều là phải thay đổi mạnh tư duy trong đầu tư cho KHCN. Tức là phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải trong nghiên cứu, tránh tình trạng “cả làng đều có phần”. TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ, ở một bộ nọ, kinh phí nghiên cứu được đưa về mỗi đơn vị một ít, mỗi đề tài cấp cơ sở chỉ vài chục triệu. 

Kết quả nghiên cứu không đến đâu vì không đầu tư tới ngưỡng nhưng khi nghiệm thu, phần lớn được xếp loại xuất sắc vì “tiền ít thế mà làm được thế là tốt lắm rồi”! Hay như năm ngoái, nhiều người không khỏi băn khoăn khi thấy đề tài “Nghiên cứu tính cách thanh niên Huế”, “Nghiên cứu hành vi giao tiếp của nhân viên ngân hàng” lại được nhận tài trợ trên dưới 800 triệu đồng.

“Chúng ta nghèo, thay vì làm 10 đề tài mà không đâu vào đâu thì hãy làm 1-2 đề tài cho thật hiệu quả. Nghiên cứu khoa học không thể theo kiểu tiền ít còn dàn trải...” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2011-2020.

Hy vọng, trong thời gian tới, sự ưu tiên cho phát triển KHCN sẽ đi vào thực chất hơn và những người làm công tác nghiên cứu chân chính không phải nhận mức lương “chết đói” như hiện nay. 

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.