Đồng hồ BOT

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa
TP - Từ đường vành đai 3 ở thủ đô Moscow của nước Nga, xe ô tô có thể chạy vun vút một mạch hàng trăm km trên đường cao tốc 8 làn phẳng lỳ ra ngoại ô mà không hề gặp bất kỳ một trạm thu phí đường bộ nào. Đường của nước bạn cũng hiện đại chẳng kém gì cao tốc Hà Nội – Hải Phòng mới khánh thành ở ta.

Hỏi người Việt mình đang sinh sống ở Nga mới biết, hầu hết các tuyến đường cao tốc ở Nga không thu phí. Ở Đức cũng vậy, anh bạn lái xe chở tôi chạy một mạch 300 km từ thủ đô Berlin về Hamburg trong đêm trên đường cao tốc không giới hạn tốc độ mất đâu có tiếng rưỡi, cũng không thấy có trạm thu phí nào.

Kể ra điều trên để thấy, chưa thấy đâu nhiều trạm thu phí đường bộ như ở ta. Vẫn biết so sánh giữa một nước đang phát triển như Việt Nam với các nước công nghiệp phát triển quả là khập khiễng. Hạ tầng giao thông của Đức, Nga hay nhiều nước phát triển khác đã có cả trăm năm để đầu tư và phát triển với tiềm lực khổng lồ. 

Việt Nam muốn có nhanh hạ tầng giao thông hiện đại, không còn cách nào khác ngoài huy động các nguồn lực xã hội dưới hình thức BOT như đã và đang làm. Và do đó, việc thu phí là tất yếu không có gì phải bàn cãi. Nếu không có đường BOT, đi từ Hà Nội xuống Hải Phòng chỉ mất 1 tiếng chắc chỉ có trong giấc mơ mà thôi.

Doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư tiền của để làm đường, trong khi một bộ phận người dân có điều kiện cũng sẵn sàng móc hầu bao để đi trên những con đường hiện đại. Việc còn lại, song rất quan trọng với các cơ quan nhà nước là, bằng chính sách và các công cụ quản lý của mình, phải giám sát và đảm bảo sự công bằng, công khai minh bạch trong suốt vòng đời của dự án BOT giữa chủ đầu tư và hàng chục triệu người dân phải trả phí.

Bằng không, nếu giám sát lỏng lẻo hoặc chính sách luật lệ có nhiều kẽ hở, các doanh nghiệp BOT sẽ không bỏ lỡ cơ hội kéo dài thời gian thu phí, vượt xa ngưỡng thu hồi vốn, tha hồ móc túi người lưu thông. Và hệ lụy không chỉ có vậy, điều nguy hiểm hơn là sức cạnh tranh của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế sẽ bị giảm sút bởi chi phí đi lại và lưu thông hàng hóa gia tăng. Và nguy hiểm hơn, nếu thời gian thu phí BOT bị tính sai, đó sẽ là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng tiêu cực hoành hành.

Chính vì vậy, không cách nào tốt hơn là phải có cơ chế để mọi dự án BOT, mọi con đường BOT người dân được giám sát. Hay nói cách khác, tất cả các dự án này phải được công khai, minh bạch từ khâu dự toán đến quyết toán, từ lưu lượng phương tiện qua lại từng giờ, từng ngày trong suốt vòng đời dự án. 

Đồng hồ đo đếm số phương tiện qua lại phải được hiển thị công khai, qua đó công luận luôn biết được doanh nghiệp đã thu được bao nhiêu tiền, còn phải thu hồi trong bao lâu.

Tin rằng, những chiếc đồng hồ công khai minh bạch như vậy sẽ xuất hiện trên mọi tuyến đường BOT, tại sao không ? 

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.