Hôm nay, hơn 75.000 học sinh của Hà Nội bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2016-2017. Trong số trên 75.000 thí sinh “vượt vũ môn” của Hà Nội chỉ có trên 50.000 vé vào các trường THPT công lập. Số còn lại sẽ học tại các trường ngoài công lập hoặc các loại hình giáo dục khác.
Đó còn chưa kể trong số đó đã có 500 chỉ tiêu tuyển thẳng từ các thí sinh đạt giải quốc gia, quốc tế. Chính vì thế mà phụ huynh luôn trong tình trạng lo lắng, căng thẳng. Lo tìm chỗ học thêm từ những năm lớp 8, lớp 9. Thậm chí, xác định ngay mục tiêu sẽ thi vào trường THPT nào từ năm lớp 6. Chính vì vậy, các con cày hết từ nhà cô này đến lò luyện kia, còn phụ huynh thì cũng “bạc mặt” đưa con đi học.
Chuyện học hành, thi cử của học sinh Hà Nội, học sinh TPHCM, học sinh các thành phố lớn sao khổ thế!
Cũng lên lớp 10, nhưng học sinh một số tỉnh được xét tuyển, nếu thi, chỉ thi vào trường chuyên. Còn học sinh các thành phố lớn, trầy trật thi. Thi xong lại thắc thỏm đợi điểm. Đỗ thì cười, trượt thì khóc. Thậm chí có thí sinh không chịu nổi áp lực thi trượt đã tìm tới cái chết.
Theo báo cáo kết quả thực hiện y tế trường học giai đoạn 2011-2015 tại hội nghị đánh giá thực trạng y tế trường học, do Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế phối hợp tổ chức mới đây tại Hà Nội, số học sinh có ý định tự tử tăng cao, khoảng 17%. TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, đây là thực trạng đáng lo ngại.
Theo TS Lâm, lỗi thuộc về người lớn khi đã đặt lên vai trẻ quá nhiều áp lực, kỳ vọng. Trong khi đó, bố mẹ, thầy cô giáo lại chưa trang bị được cho các em những kỹ năng vượt qua giây phút căng thẳng, bế tắc mà chỉ chăm chăm học chữ, đua hết cuộc thi này đến cuộc thi khác...
Thiết nghĩ, ngành Giáo dục phải tìm ra giải pháp phân luồng để giảm áp lực thi cử cho cả xã hội. Với điều kiện của Việt Nam hiện tại, không thể không có các kỳ thi, nhưng cần phải tìm cách tháo gỡ để các kỳ thi diễn ra tự nhiên, chứ không đầy căng thẳng như bây giờ. Thi cử như hiện nay, có thể gọi là một “bất thường” của xã hội!