Quản lý tiền công

TP - Thông tin được chính các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới công bố cách đây ít ngày tại buổi đối thoại cấp cao về cải cách chi tiêu công tại trụ sở của Bộ Tài chính cho thấy, áp lực trả nợ đang đè nặng khi số tiền chi trả lãi hiện chiếm tới 8% tổng thu của Chính phủ.

Số tiền trả nợ năm 2016, vừa được được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lên tới 273.300 tỷ đồng (tương đương hơn 12 tỷ USD) đang tạo gánh nặng lớn cho ngân sách quốc gia trong bối cảnh nguồn thu ngày càng gặp nhiều khó khăn. 

Để cân đối các khoản thu chi, trả nợ, Chính phủ cho biết, đã xây dựng kế hoạch vay 452.000 tỷ đồng (tương đương hơn 20 tỷ USD) trong năm nay thông qua các khoản vay trong nước (phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước, vay từ quỹ bảo hiểm xã hội và SCIC) cũng như vay nước ngoài từ nguồn vốn ODA và phát hành trái phiếu quốc tế.

Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính và Bộ KH-ĐT mới đây cũng cho thấy nhiều điều đáng báo động trong chi tiêu ngân sách hiện nay. Tính đến 6/5, Việt Nam đã phải phát hành “vay nóng” gần 111.791 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, chủ yếu là kỳ hạn ngắn từ 3-5 năm, để bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước và chi cho đầu tư phát triển. 

Cảnh báo của Bộ KH-ĐT cũng như của các tổ chức quốc tế tại nhiều diễn đàn kinh tế gần đây cho thấy, với khả năng thu ngân sách như hiện nay, tổng thu ngân sách sẽ không đủ để chi thường xuyên và trả nợ. Điều này sẽ trở thành gánh nặng lớn hơn khi có tới trên 75% nợ trong nước sẽ đáo hạn trong ba năm tới.

Tại buổi đối thoại với lãnh đạo và các chuyên gia Ngân hàng Thế giới Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận những khó khăn vĩ mô đang đặt ra nhiều thách thức cho cải cách tài chính công cũng như làm gia tăng bội chi ngân sách và tăng tỷ lệ nợ công. Ông Dũng cũng thừa nhận việc phải cơ cấu lại ngân sách bên cạnh thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển là việc cần kíp.

Trong bối cảnh tình hình tài chính của nền kinh tế không được thuận lợi, việc chi tiêu ngân sách cho thấy nhiều điều bất cập khi hàng loạt dự án được đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng liên tục “chết yểu” đang khiến nền kinh tế thêm kiệt quệ, ngân khố thêm trống rỗng. Nhiều chuyên gia tuyên bố, đã đến lúc phải mạnh tay với quản lý chi tiêu công. Bài học về sự “vung tay quá trán” dẫn đến khủng hoảng trầm trọng từ Argentina vẫn còn nguyên giá trị. 

Nợ công tăng nhanh, áp sát ngưỡng kiểm soát của Quốc hội

Trung tâm nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam vừa đưa ra báo cáo đánh giá thực trạng nợ công tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015. 

Theo báo cáo này, trong giai đoạn 2011- 2015, nợ công gia tăng nhanh chóng với mức 16,7%/năm. Cuối năm 2015, về số tuyệt đối, dư nợ công đã lên đến 2.608 nghìn tỷ đồng, gấp 1,9 lần so với cuối năm 2011 (1.393 nghìn tỷ đồng). Về số tương đối, cuối năm 2015, nợ công/GDP ở mức hơn 62%, áp sát ngưỡng kiểm soát 65% của Quốc hội. 

Báo cáo dẫn chiếu nhiều ý kiến chuyên gia lưu ý rằng, quy mô nợ công thực tế có thể đã cao hơn so với mức công bố, do cách thức xác định nợ công của Việt Nam và một số tổ chức quốc tế uy tín có sự khác biệt. Cụ thể, nợ công theo tiêu chuẩn Việt Nam dựa trên nguyên tắc: Trách nhiệm thanh toán thuộc về chủ thể đi vay; còn nợ công theo tiêu chuẩn quốc tế được xác định trên cơ sở: Chủ sở hữu thực sự hay pháp nhân đứng sau chủ thể đi vay phải có trách nhiệm thanh toán. Nợ công theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ bằng nợ công theo tiêu chuẩn Việt Nam cộng với nợ của: Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, tổ chức bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội và một số địa phương. Căn cứ theo tiêu chuẩn quốc tế, nhiều chuyên gia đưa ra ước tính và cho rằng, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đã vượt mức 100%.

Theo thông lệ quốc tế, ngưỡng nợ công tối ưu thông thường cho các nước phát triển là 90%, các nước đang phát triển có nền tảng tốt là 60% và có nền tảng kém là 30-40%. Vì vậy, ngưỡng nợ công/GDP được Quốc hội đề ra là 65% là phù hợp với thông lệ quốc tế và việc vượt ngưỡng tối ưu có thể tiềm ẩn rủi ro.

Quyền Thành

MỚI - NÓNG
Công nương Nhật Bản qua đời
Công nương Nhật Bản qua đời
TPO - The Japan Times đưa tin Công nương Yuriko của Hoàng gia Nhật Bản vừa qua đời ở tuổi 101 vì bệnh viêm phổi. Bà không xuất hiện trước công chúng kể từ sự kiện chào năm mới 2024. 
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.