Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa:

Sức ép phát triển hạ tầng khi nợ công chạm trần

Ngân sách vốn vay ưu đãi của quốc tế và nguồn lực nhà đầu tư trong nước khó khăn là thách thức lớn với Bộ trưởng GTVT. Ảnh: Sỹ Lực.
Ngân sách vốn vay ưu đãi của quốc tế và nguồn lực nhà đầu tư trong nước khó khăn là thách thức lớn với Bộ trưởng GTVT. Ảnh: Sỹ Lực.
TP - Tân Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa cho hay, ngành GTVT tiếp tục chịu sức ép phát triển hạ tầng trong điều kiện nợ công chạm trần, nguồn vốn hạn chế. Ông Nghĩa cho biết, sẽ tiếp tục có các cơ chế thu hút đầu tư; sử dụng hiệu quả vốn vay, ngân sách với tiêu chí “tiết kiệm từng đồng tiền thuế của nhân dân”.

Ngày 14/4, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa trả lời báo chí về nhiệm vụ công tác sau khi nhậm chức. Ông Nghĩa cho hay, thuận lợi của ngành GTVT là kế thừa những thành tựu của thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm. Tuy nhiên, ngành GTVT đang đối diện nhiều thách thức.

Sức ép lớn nhất với ông sau khi nhận nhiệm vụ là gì? Ông có bị sức ép từ những thành quả nổi bật của những người tiền nhiệm?

Tôi may mắn được thừa hưởng nhiều điều tốt đẹp của những người tiền nhiệm và có trách nhiệm kế thừa truyền thống của ngành. Trách nhiệm của tôi là tiếp tục phát huy.

Sức ép lớn nhất đối với tôi là làm thế nào để cùng với tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ, nhân viên của ngành giao thông vận tải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao trong bối cảnh khó khăn thách thức đang gia tăng, công việc rất nhiều và nặng nề. Nợ công đã chạm trần, tai nạn giao thông vẫn là nỗi lo thường trực ám ảnh mỗi người dân. Các nguồn lực đầu tư cho giao thông ngày càng hạn chế, trong khi người dân, đất nước đòi hỏi phải tiếp tục hiện đại hóa hạ tầng giao thông và hệ thống vận tải, nhằm đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Toàn bộ kế hoạch phát triển của ngành trong 5 năm tới đã có, đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 thông qua. Tôi sẽ cố gắng tối đa thực hiện tốt nhất chức trách và nhiệm vụ được giao.

Sức ép phát triển hạ tầng khi nợ công chạm trần ảnh 1

Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa.

Ông coi điều gì là quan trọng nhất trong nhiệm kỳ của mình?

“Chúng tôi sẽ tiết kiệm từng đồng tiền thuế của nhân dân, không đầu tư dàn trải, đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, không đầu tư hạ tầng giao thông bằng mọi giá” 

Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa

Có một số vấn đề nóng, dư luận bức xúc, cử tri cả nước quan tâm, báo chí cũng nói nhiều trong thời gian gần đây, như các dự án BOT trong lĩnh vực hạ tầng giao thông; tai nạn giao thông tuy đã giảm trong nhiều năm liên tiếp nhưng vẫn cao, đe dọa trực tiếp tài sản và tính mạng của người dân; hạ tầng giao thông một số nơi yếu kém; công tác đầu tư, giải ngân tại các dự án cần được công khai, minh bạch hơn; có sự chồng chéo trong quản lý, vận hành  hạ tầng và một số lĩnh vực; ứng dụng công nghệ cao vào xây dựng hạ tầng và quản lý cần tiếp tục được đẩy mạnh...

Sau khi nhận nhiệm vụ, tôi sẽ cho rà soát lại từng việc cụ thể và sẽ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, và sẽ thông tin đến các cơ quan báo chí và để người dân biết, giám sát. Trong công tác đầu tư, chúng tôi sẽ giữ nguyên tắc là chi tiêu một đồng tiền của nhân dân đều phải cân nhắc, có trách nhiệm, phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả của việc đầu tư.

Trong điều kiện nguồn vốn khó khăn, Bộ GTVT sẽ huy động thế nào?

Nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển hiện nay chủ yếu là đi vay, cho nên, trông chờ vào vốn ngân sách nhà nước là cực kỳ gian nan. Chúng ta đã hội nhập với khu vực và thế giới, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký năm ngoái, các hiệp định FTA khác đã ký và dần có hiệu lực, điều đó đặt ngành giao thông đứng trước cơ hội và thách thức.

Chúng tôi sẽ tranh thủ nắm bắt, chắt chiu từng cơ hội để phát triển hạ tầng giao thông, phát triển và phát huy lợi thế của từng phương thức vận tải để tạo cơ sở vững chắc cho các ngành kinh tế khác, các địa phương phát triển.

Chúng tôi sẽ sớm tổ chức cuộc gặp với các nhà tài trợ và với cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe các ý kiến, các đề xuất, kiến nghị để xem xét và điều chỉnh phù hợp trên tinh thần hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.