Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Nên xã hội hóa hạ tầng giao thông đến cấp xã

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các địa phương không “cắp cặp” lên Trung ương xin vốn. Ảnh: Đoàn Bắc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các địa phương không “cắp cặp” lên Trung ương xin vốn. Ảnh: Đoàn Bắc.
TP - Chiều 4/1, tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2015 của Bộ GTVT, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, tương lai gần, ngân sách Nhà nước cho hạ tầng giao thông vẫn khó khăn; đề nghị cấp tỉnh, huyện, xã nên kêu gọi các nguồn vốn khác; không “cắp cặp” lên Trung ương xin vốn.

Người đứng đầu Chính phủ đánh giá, 5 năm qua là chặng đường xây dựng được nhiều công trình giao thông nhất từ trước đến nay, trong đó, có nhiều công trình đồng bộ, hiện đại như Cầu Nhật Tân, Nhà ga T2 Nội Bài hay 700 km đường cao tốc. Hạ tầng giao thông ở nông thôn, miền núi cũng được tập trung đầu tư. “Đó là thành tựu vượt bậc trong bối cảnh lạm phát, vốn liếng khó khăn”, Thủ tướng nói.

“Hãy để cho các doanh nghiệp nhỏ đầu tư những cây cầu quy mô nhỏ. Hội đồng nhân dân huyện, xã thông qua một cơ chế nào đó để cho doanh nghiệp thu phí. Phương án đó sẽ nhanh chóng giải quyết được tình trạng giao thông thiếu thốn, nguy hiểm cho trẻ em ở địa phương”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Thủ tướng cho rằng, đó là kết quả của việc cải cách thể chế, tái cơ cấu đầu tư theo hướng kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư vào hạ tầng giao thông. Thủ tướng cho hay, trong thời gian tới, ngân sách và trái phiếu chính phủ dành cho hạ tầng giao thông không tăng cao (tối đa tăng 10% năm) nên không thể đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, đồng bộ hạ tầng giao thông. Vì vậy “không còn cách nào khác” phải huy động các nguồn lực xã hội.

Thủ tướng đề nghị, nguồn vốn cấp cho giao thông được xây dựng theo kế hoạch 5 năm; lãnh đạo các tỉnh không nên “cắp cặp” lên Trung ương xin vốn, cần chủ động tìm nguồn vốn khác. Thủ tướng cho rằng, xã hội hóa là lối thoát cho tình trạng thiếu thốn hạ tầng giao thông tại xã, huyện khó khăn.

Ở cấp Trung ương, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT từ năm 2016 chủ động kiến nghị, hoàn thiện các cơ chế chính sách trong quyền hạn để tiếp tục huy động vốn đầu tư một cách bài bản; tránh kêu gọi đầu tư bằng các lời hứa hay mệnh lệnh như hiện nay. Thậm chí, Thủ tướng đề nghị cần xem xét xây dựng luật riêng về đầu tư hạ tầng theo hình thức đối tác công tư. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu, các quy định pháp luật cần xây dựng theo hướng thị trường, đảm bảo hiệu quả cho nhà đầu tư. Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước thông qua thanh tra, kiểm tra trong quá trình xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, năm 2015, công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục được đẩy mạnh trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, năm 2015 là thời điểm hoàn thành, đưa vào khai thác toàn tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, Quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ, cụm 3 dự án Nhà ga Quốc tế T2 - Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, cầu Nhật Tân... Năng lực và chất lượng của hạ tầng giao thông Việt Nam năm 2015 đứng vị trí 67, tăng 9 bậc so với năm 2014 và tăng 36 bậc so với năm 2010, góp phần giúp chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam năm 2015 tăng 12 bậc so với năm 2014.

Phí đường bộ BOT tăng: Bộ Tài chính nói gì?

Chiều 4/1, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho hay: “Ở đây có nhiều nhà đầu tư, mỗi trạm có thông tư quy định riêng theo đề xuất dựa trên hợp đồng mà Bộ GTVT đã ký với doanh nghiệp. Việc điều chỉnh mức phí sẽ dựa trên hợp đồng mà Bộ GTVT đã ký kết với nhà đầu tư. Cần đánh giá và làm rõ việc lùi thời gian tăng thu phí có kéo dài thời gian thu phí hay không và những hệ quả khác. Ban hành văn bản không theo cam kết hợp đồng nguy cơ sẽ bị kiện. Vì thế, Bộ GTVT cần điều chỉnh hợp đồng BOT trước khi đề nghị thay đổi mức phí”, ông Thi phân tích.

Liên quan đến việc ban hành các thông tư quy định mức phí, ông Thi cho biết: “Không thể muốn thay đổi là làm được ngay mà phải theo quy trình ban hành văn bản pháp luật. Mỗi thông tư ban hành cần lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan cũng như địa phương nơi trạm thu phí đặt chỗ. Quy trình này làm nhanh thường mất khoảng 1-2 tháng”.

Ông Thi cho biết thêm, công văn hỏa tốc của Bộ GTVT được ký ngày 25/12, nhưng mãi đến ngày 30/12 Bộ Tài chính mới nhận được. “Ngay hôm sau (31/12), Bộ Tài chính đã có công văn trả lời. Trong đó,  Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ GTVT cần đánh giá lại tác động trước mắt, lâu dài cho các phương án. Như vậy là không đảm bảo công bằng giữa các nhà đầu tư trong việc điều chỉnh thời gian thu phí của các dự án BOT”, ông Thi nói.   

        Tuấn Đức

MỚI - NÓNG