Trượt lớp 10 công lập: Nháo nhác tìm trường

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hàng chục nghìn học sinh tại TPHCM rớt lớp 10 công lập; nhiều phụ huynh đang phải nháo nhác tìm trường ngoài công lập, trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên... phù hợp với con mình.

Tiến thoái lưỡng nan

Ngay sau khi biết điểm chuẩn lớp 10 của con, vợ chồng chị H. (ngụ huyện Hóc Môn) đã nghỉ việc và chia nhau đi tìm hiểu các trường tư thục và trường nghề gần nhà. Chị H. kể, tìm đến một trường THPT tư thục cách nhà khoảng 2,5 km, chị thấy trường khang trang, giáo viên thân thiện, con mình có thể tự đạp xe đi học, nhưng học phí hơn 6 triệu đồng mỗi tháng, chưa kể các chi phí phát sinh khác. Tổng thu nhập từ nghề buôn bán ở chợ của vợ chồng chị chỉ khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng và phải nuôi 3 con đang tuổi ăn tuổi lớn nên học trường tư dường như là phương án bất khả thi.

Trượt lớp 10 công lập: Nháo nhác tìm trường ảnh 1

Học viên học nghề tại Trường cao đẳng Lý Tự Trọng, TPHCM. Ảnh: Nhàn Lê

Tìm đến một trường nghề, học phí phù hợp nhưng cách nhà tới 8 km, con chưa thể tự lái xe đến trường và cũng chưa biết học nghề gì để phù hợp. Thay vì học đầy đủ các môn, những trường nghề chị H. tìm hiểu đều chỉ dạy 4 môn văn hóa song song với dạy nghề. Điều này không đáp ứng được mong muốn tập trung học các môn văn hóa để giành tấm vé xét tuyển vào đại học của con chị H. “Đưa con đến trường rút học bạ mà lòng tôi quặn thắt, nước mắt chảy dài. Không biết con đường tiếp theo của con sẽ ra sao. Điều tôi đau lòng nhất là năm nào con cũng có giấy khen, nhưng bây giờ không có được giấy báo trúng tuyển”, chị H. nói trong nước mắt.

Đại diện Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM) cho biết, đến hết ngày 13/7, Sở sẽ căn cứ vào chỉ tiêu còn thiếu và nguyện vọng của các trường để tuyển bổ sung. Việc tuyển bổ sung chỉ áp dụng với thí sinh rớt cả ba nguyện vọng thường. Tất cả thí sinh đã trúng tuyển, không phân biệt có nộp hay không nộp hồ sơ, đều không được giải quyết trong đợt tuyển bổ sung. Năm 2023, TPHCM tuyển bổ sung vào lớp 10 và nhận được hơn 1.000 hồ sơ đăng ký, tập trung ở trường ngoại thành.

Năm 2024, trong số hơn 98.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng vào các trường THPT công lập, chỉ có khoảng 76.700 em có cơ hội đậu. Gần 22.000 học sinh còn lại không đậu vào lớp 10 công lập. Nhiều em đang trong trạng thái bơ vơ vì chưa biết hướng đi nào phù hợp.

Thấy con rớt trường công, chị B.T. (huyện Bình Chánh) nhiều đêm liền trằn trọc không ngủ vì không biết làm thế nào để con tiếp tục được học hành. Cũng như nhiều lao động tự do khác, kinh tế gia đình chị B.T. phụ thuộc vào xe hàng rong của chị và những cuốc xe ôm bữa được bữa mất của chồng. “Tôi không suy nghĩ kỹ nên từng la mắng khi biết con thi rớt. Nhưng khi nghe cháu khóc rồi nói con cũng đâu muốn bản thân mình rớt đã khiến tôi ân hận rất nhiều”, chị T. nói. Chị T. cũng bày tỏ lo ngại nhiều học sinh như con chị có thể thất học, bước vào con đường lầm lỡ vì không đủ điều kiện theo học trường tư thục.

Anh H.N. (ngụ quận Bình Tân) những ngày gần đây ngóng chờ từng phút thông tin tuyển bổ sung từ Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM. Phụ huynh này đánh giá con có học lực trung bình khá nhưng rất ham học, nỗ lực ôn tập ngày đêm để có cơ hội trúng tuyển lớp 10. “Từ khi biết điểm chuẩn, con khóc lóc, không chịu ăn uống, nói chuyện khiến vợ chồng tôi đứng ngồi không yên. Nếu có trường công lập tuyển bổ sung ở tận huyện Bình Chánh hay Củ Chi tôi cũng đăng ký để con có suất học công lập. Phương án cuối cùng mới tính đến đăng ký trường tư cho con”, anh N. bày tỏ.

Trường nghề hút học viên

Trong khi ngóng chờ chỉ tiêu bổ sung, hàng chục nghìn phụ huynh TPHCM thời điểm này nháo nhác tìm trường cho con. Do đó, tình hình tuyển sinh tại các trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên và trường tư thục những ngày gần đây hết sức sôi nổi.

Thầy Phạm Minh Tùng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Gò Vấp, cho biết, chỉ mới đầu tháng 7, trung tâm đã phát hành được 300 hồ sơ; điều này cho thấy phụ huynh đã quan tâm hơn tới giáo dục thường xuyên. “So với năm ngoái, tình hình tuyển sinh năm nay rất khả quan. Nhiều học sinh học lực khá, giỏi nhưng không may rớt lớp 10 công lập đã chọn học giáo dục thường xuyên. Những năm trước, rất nhiều học sinh học tại trung tâm chăm ngoan, học giỏi, đỗ đạt vào các trường đại học tốp đầu”, thầy Tùng chia sẻ.

Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Quốc tế TPHCM (quận Bình Tân), cho hay, sau khi có điểm chuẩn lớp 10, đường dây nóng tư vấn tuyển sinh của trường luôn trong tình trạng “cháy máy”. Thậm chí, nửa đêm vẫn còn phụ huynh nhắn tin, gọi điện thoại nhờ tư vấn. Ngày 4/7, số lượng phụ huynh “chốt đơn” đăng ký vào trường tăng mạnh.

Tương tự, đường dây nóng Trường cao đẳng Lý Tự Trọng (quận Tân Bình) cũng nhận được nhiều cuộc gọi từ phụ huynh, học sinh nhờ tư vấn. Có người trực tiếp đến trường đưa con tham quan, tìm hiểu các ngành nghề đào tạo, cơ sở vật chất. Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng nhà trường thông tin, năm học này, nhà trường tuyển 3.000 học viên hệ trung cấp cho 49 ngành đào tạo. Học hệ này, các em được học nghề xen kẽ học văn hóa trong thời gian 3 năm. “Kết thúc thời gian học, học viên có thể lựa chọn học tiếp cao đẳng hoặc tham gia vào thị trường lao động. Mỗi khóa, có khoảng 1.700 học viên hệ trung cấp tiếp tục liên thông lên cao đẳng”, ông Lộc nói.

Trượt trường công không phải là chấm hết

Cô Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh), khuyên phụ huynh không nên la mắng khi con thi trượt. “Các em đã trải qua một thời gian ôn tập, thi cử căng thẳng. Bản thân các em là người buồn hơn ai hết khi không đạt được nguyện vọng như mình mong muốn. Do đó, cha mẹ hãy là điểm tựa cho con trong thời điểm quan trọng này. Hãy chia sẻ để các con hiểu rằng trượt lớp 10 không phải là chấm hết. Dù học ở môi trường nào, nếu bản thân luôn cố gắng, nỗ lực, học tập nghiêm túc thì tương lai vẫn rộng mở”, cô Trâm bày tỏ.

MỚI - NÓNG