Theo bảng điểm công bố, Trường ĐH Xây dựng Miền Trung có 12 ngành thì tất cả các ngành đều lấy 13 điểm. Trường có 223 thí sinh trúng tuyển, tương đương với mỗi ngành chưa đến 20 thí sinh.
Trường ĐH Phú Yên, ngoại trừ các ngành sư phạm có điểm bằng sàn theo quy định (18 điểm), các ngành còn lại đều có điểm chuẩn 14. Thế nhưng, dù điểm thấp, trường cũng chỉ có 76 thí sinh trúng tuyển bằng xét tuyển điểm thi THPT quốc gia. Nhiều ngành có số thí sinh trúng tuyển chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chẳng hạn như ngành sư phạm tiếng Anh có 3 thí sinh trúng tuyển, sư phạm toán có 2 thí sinh, sư phạm lịch sử chỉ có 1 thí sinh. Thậm chí, nhiều ngành không có thí sinh nào trúng tuyển như sư phạm tin học, sư phạm hóa học, sư phạm sinh học, sư phạm ngữ văn, sư phạm lịch sử, hóa học, sinh học, vật lý học, văn học.
Trường ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi chỉ có 77 thí sinh trúng tuyển. Số thí sinh tập trung vào hai ngành giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học, nhiều ngành chỉ có 1-2 thí sinh trúng tuyển.
Trường ĐH Quảng Bình có 141 thí sinh trúng tuyển bằng xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia sau đợt 1. Số thí sinh trúng tuyển vào một số ngành rất ít như giáo dục chính trị chỉ có 3 thí sinh, sư phạm lịch sử 1, quản lý tài nguyên rừng 1, phát triển nông thôn 2…
Tại trường ĐH Đồng Nai, bên cạnh các ngành có mức điểm sàn đồng đều, một số ngành điểm cao chót vót dẫn đến không có thí sinh nào trúng tuyển. Việc này xảy ra ở đa phần các ngành sư phạm.
Cụ thể, trường có 1.806 thí sinh trúng tuyển đợt 1 vào bậc ĐH. Năm nay trường tuyển 14 ngành ĐH nhưng có 4 ngành chưa có thí sinh nào trúng tuyển. Cụ thể, ở nhóm ngành đào tạo giáo viên, ngành Sư phạm Vật lý, điểm chuẩn được đẩy lên đến 24,7 điểm và ngành Sư phạm Lịch sử cũng bị đẩy lên đến 22,6 điểm và không có thí sinh trúng tuyển. Trong khi đó, các ngành sư phạm có thí sinh trúng tuyển, điểm chuẩn cao nhất chỉ là 18,5 điểm.
Ở các ngành ngoài Sư phạm, bên cạnh những ngành có thí sinh trúng tuyển có điểm chuẩn 15, 16 thì ngành Quản lý đất đai bỗng nhiên tăng vọt lên đến 20,8 và tất nhiên, không có thí sinh nào nào trúng tuyển ngành này. Hiện tượng này cũng diễn ra ở hệ cao đẳng khi trong số 8 ngành, chỉ có ngành giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học có thí sinh trúng tuyển (điểm chuẩn 16). Năm ngành còn lại đều có điểm chuẩn cao hơn từ 3- 4 điểm.
Xác nhận với báo chí, PGS- TS Lê Kính Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đồng Nai cho biết, khi họp bàn xác định điểm chuẩn, hội đồng tuyển sinh nhà trường đã thống nhất nâng điểm chuẩn một số ngành lên mức cao hơn mức điểm cao nhất của thí sinh có thể trúng tuyển. “Nguyên do là vì các các ngành này chỉ có một vài thí sinh trúng tuyển, nhiều nhất cũng chừng 5 em nên không đủ mở lớp. Việc nâng điểm là để thí sinh không thể trúng tuyển vào trường nhưng đồng thời cũng chính là tạo cơ hội cho các em tham gia xét tuyển đợt sau”, ông Thắng nói.