Học viện Cảnh sát Nhân dân mất "ngôi vương" khi điểm chuẩn của trường lao dốc so với năm ngoái. Cụ thể, điểm chuẩn các ngành nghiệp vụ cảnh sát phía Bắc với thí sinh nam có ngành giảm 7,5 điểm.
Nếu năm 2018, tổ hợp A01 (Toán, Lý, Anh) của thí sinh nam có mức điểm là 27,15 thì năm nay tụt xuống còn 19,62 điểm;Tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh) năm ngoái điểm chuẩn là 24,65, nay còn 19,88; Tổ hợp C03 (Toán, Sử, Văn) giảm hơn 1 điểm, còn 23 điểm.
Không đi xuống theo chiều thẳng đứng như Học viện Cảnh sát Nhân dân, điểm chuẩn của Học viện An ninh Nhân dân năm nay cũng không còn đứng đầu bảng như những năm trước. Điểm một số ngành của trường này giảm hơn so với năm ngoái là ngành Nghiệp vụ an ninh đối với nam ở tổ hợp C01 (Văn, Sử, Địa) giảm 2,35 điểm ở phía Bắc, giảm 4,15 điểm ở phía Nam.
Khối ngành sức khỏe năm nay tăng hơn năm trước, mức điểm tăng từ 1 điểm đến 2 điểm tùy từng trường đối với ngành bác sĩ đa khoa. Điểm chuẩn ngành bác sĩ đa khoa năm nay cao nhất là của trường ĐH Y Hà Nội với 26,75 điểm, tăng 2 điểm so với năm 2018.
Năm nay công nghệ thông tin chiếm “ngôi vương điểm chuẩn”. Điều này chưa từng xảy ra trong suốt một thời gian dài vừa qua. Mùa tuyển sinh này, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có trên 60% thí sinh trúng tuyển tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) thuộc top 5% thí sinh điểm cao nhất toàn quốc. Trong đó, 1/3 số thí sinh trong diện top 1% có tổng điểm khối A00 cao nhất toàn quốc. Ngành Công nghệ thông tin của trường ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn giữ mức điểm chuẩn cao nhất trong các năm gần đây. Năm nay chuyên ngành Khoa học máy tính “lên ngôi” với 27,42 điểm, tăng 2,4 điểm so với năm ngoái.
Phân khúc chất lượng
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết; Tới chiều 8/8 công tác xét tuyển đợt I đã hoàn tất. Theo nhận định của lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH, so với những năm trước, điểm trúng tuyển cho thấy có sự phân tầng chất lượng trong cả hệ thống. Cụ thể, bên cạnh một số trường top dưới (lấy dưới 15 điểm), những trường chất lượng tốt và có lợi thế lấy tới 26-27 điểm.
Kết thúc đợt xét tuyển lần I, thống kê của Vụ Giáo dục ĐH cho thấy, 49% đơn vị tuyển sinh có số thí sinh trúng tuyển từ đủ chỉ tiêu trở lên; 61% số đơn vị tuyển sinh đạt từ 70% trở lên so với chỉ tiêu. Có 26% đơn vị tuyển được dưới 50% chỉ tiêu và 7% đơn vị không có thí sinh trúng tuyển, không tham gia lọc ảo.
Đặc biệt, điểm trúng tuyển của khối sư phạm tăng cùng với mức tăng điểm sàn, trong đó, các trường truyền thống đào tạo sư phạm có mức điểm trúng tuyển cao hơn điểm sàn. Ví dụ, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bên cạnh việc có thí sinh Huy chương Vàng Toán quốc tế đăng ký, có 7 ngành lấy điểm trúng tuyển từ 20 điểm, Trường ĐH Sư phạm TPHCM có 7 ngành lấy từ 19,5 đến 21 điểm.
Mặt bằng điểm trúng tuyển của các trường đào tạo các ngành sức khoẻ cũng tăng nhẹ và đồng đều hơn so với các năm trước. Năm nay có điểm sàn riêng cho khối ngành này. Mức điểm trúng tuyển của các trường đào tạo y khoa được rút ngắn khoảng cách, còn từ 21 đến 26.75 điểm.
“Như vậy, với Quy chế tuyển sinh như năm nay, chúng ta có thể khá yên tâm về chất lượng của đội ngũ quan trọng trong xã hội là các thầy thuốc và thầy cô giáo” - bà Phụng khẳng định.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, độ chênh về điểm chuẩn giữa các nhóm trường thể hiện chính sách chất lượng của từng trường và sự phân khúc chất lượng của mỗi nhóm trường trong toàn hệ thống. Điều đó cũng phản ánh uy tín của các trường; phản ánh sự minh bạch về chất lượng trong tuyển sinh, đào tạo…
“Đa số các trường xác định điểm trúng tuyển thấp là trường chất lượng thấp, hoặc chưa có uy tín để thu hút học sinh giỏi" - bà Phụng nêu.
Kết quả tuyển sinh đợt I, chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi THPT quốc gia của các trường ĐH là 351.154; trong đó, chỉ tiêu sư phạm là 29.765. Số trúng tuyển sau lọc ảo là 405.193, đạt 115% chỉ tiêu; trong đó, trúng tuyển sư phạm là 18.536