Bên cạnh việc cùng nhau thông qua “Báo cáo của Hội nghị Thượng đỉnh chống tham nhũng quốc tế” và “Tuyên bố chống tham nhũng toàn cầu”, lãnh đạo các nước cũng cam kết dốc sức phanh phui hiện tượng tham nhũng, theo dõi và trừng trị phần tử tham nhũng, xóa bỏ tận gốc vấn đề tham nhũng, khuyến khích và ủng hộ tổ chức quốc tế cùng tham gia chống tham nhũng toàn cầu.
Tham nhũng không phải là hiện tượng mới đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, nhưng bom tấn mang tên “Hồ sơ Panama” được xem là pháo hiệu tuyên chiến với vấn nạn trên. Đúng vào ngày khai mạc Hội nghị, Thượng viện Brazil bỏ phiếu thông qua việc bãi nhiệm Tổng thống Dilma Rousseff, mà một trong những lý do chính là nương tay với nạn tham nhũng.
Bản thân nước Anh, nước chủ nhà của Hội nghị cũng chịu sức ép rất lớn vì trong 210.000 công ty giao dịch với Mossack Fonseca, hơn 50% đăng ký kinh doanh tại quần đảo British Virgin thuộc Vương quốc Anh, nơi được xem là thiên đường thuế, và tất nhiên, chính phủ của Thủ tướng Anh David Cameron không thể vô can. “Tai họa tham nhũng đã len lỏi vào từng ngóc ngách của thế giới. Một vấn đề toàn cầu cần một giải pháp toàn cầu thật sự”, Thủ tướng Cameron cay đắng thừa nhận trong ngày khai mạc Hội nghị.
Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tham nhũng gây thiệt hại 1.500-2.000 tỉ USD/năm, tương đương 2% GDP toàn cầu. Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde thậm chí còn chỉ ra những tổn thất gián tiếp cũng nghiêm trọng không kém, như:?tăng trưởng kinh tế?sụt giảm; bất bình đẳng thu nhập gia tăng; phá hoại chính sách công; làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội…
Kết thúc Hội nghị, một trung tâm chống tham nhũng quốc tế ra đời tại London, với sự góp mặt của Mỹ, Thụy Sỹ, Canada, Australia, New Zealand và Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế. Tuy nhiên, như nhận định của lãnh đạo các quốc gia tham dự: “không thể chiến thắng tham nhũng chỉ trong một đêm”.
Có thể nói, việc hiệu triệu và kêu gọi thế giới chống tham nhũng, tuy muộn nhưng thực sự cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Người ta kỳ vọng, Hội nghị sẽ giúp lãnh đạo và người dân các quốc gia có thêm động lực để giải quyết hiện tượng mang tính toàn cầu này.