Theo ông Vân, trong 10 năm thực hiện công tác phòng chống tham nhũng Đà Nẵng xử lý được 15 vụ án với 24 bị can về tham nhũng. Tuy nhiên các vụ án đều có can thiệp, gửi gắm… do đó hiệu quả phòng chống tham nhũng không cao và còn “nương tay”.
Đã thế, việc xét xử các vụ án liên quan đến tham nhũng tại tòa các tình tiết giảm nhẹ như nhân thân tốt, lần đầu vi phạm… thường được đưa ra để giảm án phạt là thiếu thuyết phục.
"Tham nhũng đang là quốc nạn nên tình tiết giảm nhẹ cho tội danh tham nhũng phải là những “tình tiết đặc biệt thuyết phục” mới được đưa vào áp dụng thay vì các tình tiết bình thường như hiện nay", ông Vân nói
Một bất cập cũng được trưởng ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng chỉ ra tại hội nghị là hiện nay, sự phối hợp xử lý, điều tra các vụ án lưu manh, côn đồ được làm rất nhanh chặt chẽ, tuy nhiên những vụ án liên quan đến tham nhũng lại chậm, thậm chí sao nhãng.
Đại tá Lê Thanh Hải, Phó giám đốc công an Thành phố Đà Nẵng cho rằng, 10 năm qua, việc xử lý các vụ án tham nhũng của Thành phố đang ở mức “khiêm tốn”.
Các vụ tham nhũng tập trung vào các lĩnh vực đất đai, ngân hàng, đầu tư công...là những lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực. Trong khi đó, trình độ điều tra viên liên quan đến án tham nhũng còn hạn chế, quá trình điều tra xử lý vướng nhiều quy định của pháp luật dẫn đến việc đưa ra xét xử chậm trễ.
Việc giám định chứng cứ tham nhũng đòi hỏi nhiều thời gian, Thành phố Đà Nẵng có 5 vụ tham nhũng đang điều tra nhưng chưa có kết quả giám định… do đó chưa khởi tố được. Ngoài ra, kinh phí giám định chứng cứ quá lớn nên một số vụ án tham đã làm xong nhưng thiếu kinh phí giám định nên cũng chưa thể khởi tố được.
Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng cho rằng, việc phòng chống tham nhũng bước đầu đã đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, kết quả còn khiêm tốn, tham nhũng vẫn len lõi mà phần lớn nằm ở bộ máy chính quyền nhiều hơn.
Để góp phần đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, lãng phí, Bí thư Nguyễn Xuân Anh cũng yêu cầu các cơ quan tố tụng phải phối hợp làm tốt việc xử lý các vụ án tham nhũng. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố xét xử các vụ án tham nhũng. Không được buông xuôi, né tránh và không có vùng cấm với điều tra xử lý tham nhũng. Người tham nhũng là ai, ở cấp độ nào cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
“Nếu phát hiện tham nhũng, có chứng cứ phải xử lý, có tội phải xét xử. Cán bộ, lãnh đạo nào dính chàm vào tham nhũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, không có việc xin xỏ, tác động từ lãnh đạo đối với các vụ án tham nhũng. Người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra tham nhũng. Giám đốc sở tham nhũng, lãnh đạo thành phố phải chịu trách nhiệm…”, ông Anh nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh cũng yêu cầu các cấp, các ngành cần đẩy mạnh việc tuyên truyền vận động thu hút nhân dân tham gia đấu tranh phòng chống tham nhũng. Bởi thực tế, hiện nay đa phần các vụ án tham nhũng đều xuất phát từ tố cáo của người dân.