Trung Quốc: Tàu dân sự phải có tính năng chiến đấu

Một nhóm tàu cá Trung Quốc bị truy đuổi khi đánh bắt trộm trong vùng biển của Hàn Quốc năm 2011. Ảnh: Getty Images.
Một nhóm tàu cá Trung Quốc bị truy đuổi khi đánh bắt trộm trong vùng biển của Hàn Quốc năm 2011. Ảnh: Getty Images.
TP - Chính phủ Trung Quốc vừa yêu cầu các đơn vị đóng tàu dân sự đảm bảo sản phẩm của họ từ nay phải có thể sử dụng vào mục đích quân sự trong trường hợp xảy ra xung đột, báo chí nhà nước Trung Quốc đưa tin.

Các tàu mới, gồm cả tàu chở container, phải được cải tiến để “phục vụ các nhu cầu quốc phòng”; những quy định mới sẽ “giúp Trung Quốc chuyển đổi tiềm năng đáng kể lực lượng tàu dân sự thành sức mạnh quốc phòng”, báo Trung Quốc China Daily dẫn thông báo của chính phủ. Theo báo này, tính đến cuối năm ngoái, Trung Quốc có khoảng 172.000 tàu dân sự, nên quy định mới sẽ là cú hích lớn cho hải quân nước này. China Daily đưa tin, chính phủ Trung Quốc sẽ trang trải các chi phí để triển khai kế hoạch.

Những năm gần đây, Trung Quốc mở rộng lực lượng hải quân với tốc độ nhanh chóng, hoán đổi thành công tàu sân bay đầu tiên vào năm 2012, bổ sung đáng kể số lượng tàu nổi và tàu ngầm, trong bối cảnh nước này ngày càng hung hăng trên biển Đông và biển Hoa Đông, nơi có tranh chấp lãnh thổ với nhiều nước láng giềng.

“Chiến tranh trên biển thường đòi hỏi huy động và triển khai rất nhiều tàu. Việc các đơn vị đóng tàu phải có sẵn một số nền tảng ứng dụng quân sự trên tàu dân sự để chúng có thể phục vụ hải quân trong thời chiến là việc thông thường”, China Daily dẫn lời nhà nghiên cứu hải quân Trung Quốc Cao Weidong. “Những tiêu chuẩn mới sẽ giúp biến sức mạnh của ngành đóng tàu tư nhân thành sức mạnh của quân đội”, ông Cao nói.

Bản chất thông báo hoàn tất cải tạo ở Trường Sa

Nhà nghiên cứu Michael Green công tác tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (Mỹ) vừa đăng ý kiến trên trang Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á rằng, việc Trung Quốc vừa tuyên bố dự án cải tạo đất ở khu vực tranh chấp thuộc biển Đông sẽ hoàn tất trong vài ngày tới chẳng phải tín hiệu đáng mừng. Ông Green cho rằng, sau khi hoàn tất việc cải tạo đất, Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng nhiều cơ sở trên các đảo, đá ngầm, vì quan điểm của nước này về việc xây dựng đảo nhân tạo không hề thay đổi.

Việc Bắc Kinh đưa ra thông báo này có thể là tín hiệu ngoại giao tinh khôn khi quan chức Mỹ và Trung Quốc sắp gặp gỡ cấp cao. Bắc Kinh đã hoàn tất hoạt động cải tạo trên một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, như Gạc Ma, Chữ Thập… Trên đá Vành Khăn và Subi, hoạt động cải tạo vẫn diễn ra khẩn trương. Ông Green cho rằng, nếu Trung Quốc dừng cải tạo ở Vành Khăn và Subi, thì đây mới là thay đổi lớn trong chính sách của Bắc Kinh. Nhưng thông báo vừa qua của Trung Quốc có vẻ chỉ xác nhận điều mà các nhà phân tích đã biết.

Các nhà quan sát cho rằng, thông báo vừa qua của Trung Quốc cho thấy sự thay đổi trong lời lẽ ngoại giao của nước này. Từ tháng 4, những thông báo Trung Quốc đưa ra đều khẳng định, các nước khác không được can thiệp hay có ý kiến về hoạt động xây dựng của nước này ở biển Đông. Nhưng sau khi vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, thông báo hôm 16/6 của Trung Quốc  có vẻ nhằm xoa dịu quan ngại của Mỹ và các nước trong khu vực.

Mỹ và Trung Quốc sẽ tham dự Đối thoại Kinh tế và Chiến lược thường niên lần thứ 7 từ ngày 22 đến 24/6 tại thủ đô Washington của Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew sẽ cùng Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng Uông Dương thảo luận những cơ hội và thách thức trong quan hệ Mỹ - Trung, trong đó có vấn đề an ninh biển. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Washington trong tháng 9 tới.

Theo các nhà phân tích, Mỹ và Trung Quốc không cần đạt được một nền tảng ngoại giao lớn để những cuộc gặp gỡ này thành công, nhưng điều tốt nhất với ông Tập là hai bên không phải đau đầu khi những vấn đề như hoạt động cải tạo trái phép của Trung Quốc ở Trường Sa không xuất hiện nổi bật trên báo chí quốc tế.

Philippines hôm qua thông báo, nước này và Mỹ sẽ tập trận hải quân chung trên vùng biển phía tây nam Philippines vào tuần tới. Đợt tập trận CARAT sẽ diễn ra từ ngày 22 đến 25/6 tại căn cứ hải quân Apolinario thuộc tỉnh Puerto Princesa, nhằm “tăng cường khả năng tương tác” giữa hai lực lượng hải quân, Philstar đưa tin. 

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
TPO - Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm 37 vụ án trong quý 2/2024. Trong đó, có vụ án “Lừa dối khách hàng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes liên quan đến ông Lê Thanh Thản.