Trung Quốc sắp xây xong đảo nhân tạo ở biển Đông

Trung Quốc tuyên bố sắp hoàn thành việc xây đảo nhân tạo ở biển Đông, chuyển sang xây dựng cơ sở hạ tầng. Ảnh: IHS Janes
Trung Quốc tuyên bố sắp hoàn thành việc xây đảo nhân tạo ở biển Đông, chuyển sang xây dựng cơ sở hạ tầng. Ảnh: IHS Janes
TP - Trung Quốc tuyên bố sẽ hoàn tất dự án cải tạo các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa trong những ngày tới và chuyển sang xây dựng cơ sở hạ tầng, Xinhua ngày 16/6 đưa tin.

Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) hôm qua công bố Báo cáo 2015, nhấn mạnh rằng chiến lược hung hăng của Trung Quốc đang khiến tình hình châu Á trở nên căng thẳng, The Diplomat (Nhật Bản) cho biết.

"Việc xây dựng trên quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam) không chỉ đáp ứng mục đích quốc phòng, mà còn phục vụ nhu cầu dân sự. Việc cải tạo đảo sắp hoàn thiện, giai đoạn sắp tới chúng tôi sẽ triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng”, Xinhua dẫn lời phát ngôn viên mới của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang tuyên bố trong buổi họp báo ngày 16/6 tại Bắc Kinh.

Lu Kang ngang nhiên nói rằng, dự án này là “hợp pháp, trong phạm vi chủ quyền” của Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ bắt đầu xây dựng các cơ sở với các chức năng thích hợp nhằm thực hiện “trách nhiệm, nghĩa vụ tại khu vực như tìm kiếm, cứu hộ hàng hải, phòng ngừa, giảm nhẹ thảm họa, nghiên cứu hải dương, quan sát khí tượng và môi trường sinh học, an toàn hàng hải cũng như dịch vụ nghề cá”, Lu Kang nói.

Mỹ ước tính, diện tích cải tạo đất của Trung Quốc ở biển Đông đã lên tới hơn 800 ha. Gần đây, Trung Quốc còn đưa hai cỗ pháo tự hành lên một khu vực cải tạo đất. Động thái này ngay lập tức vấp phải chỉ trích của các nước trong khu vực và quốc tế. Mỹ, Nhật Bản, Úc, Liên minh châu Âu, nhóm G-7 đều lên tiếng phản đối Trung Quốc, coi đây là hành vi gây hấn, đơn phương thay đổi hiện trạng và làm leo thang căng thẳng trên biển Đông. Mỹ đã liên tục yêu cầu Trung Quốc dừng ngay việc xây đảo nhân tạo. Quân đội Mỹ đã điều máy bay tuần tra P-8 Poseidon đến khu vực này. Úc và Nhật Bản tuyên bố sẽ đưa tàu chiến và máy bay tới tuần tra ở biển Đông.

SIPRI: Trung Quốc gây căng thẳng châu Á

Theo báo cáo mới nhất của SIPRI (trụ sở ở Thụy Điển), đã nổi lên một xu hướng quân sự - an ninh đáng chú ý tại khu vực Đông Á trong năm 2014. Một trong các khía cạnh chủ chốt của các xu hướng này là cố gắng của Trung Quốc nhằm chủ động cấu trúc lại an ninh khu vực. Báo cáo 2015 của SIPRI nêu rõ những căng thẳng khu vực nổi lên từ năm 2008, chủ yếu do “chiến lược hiếu chiến của Trung Quốc”, nhất là sự thể hiện của nước này trong các tranh chấp biển.

SIPRI nhận xét, tình hình trên biển Đông rất căng thẳng, trong khi những hành động hung hăng và tranh cãi về tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có vẻ dịu bớt trong năm 2014. Trung Quốc giảm bớt việc điều tàu tuần tra xung quanh Senkaku/Điếu Ngư cho thấy dấu hiệu căng thẳng dịu xuống.

Theo báo cáo của SIPRI, các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc buộc phải phát động chương trình hiện đại hóa quốc phòng để tự vệ. SIPRI lưu ý rằng, các quốc gia này đều lo ngại về việc Trung Quốc liên tiếp tăng ngân sách quốc phòng và nhanh chóng hiện đại hóa quân đội, khiến nhiều nước phải tìm cách xây dựng quan hệ gần gũi hơn với Mỹ.

“Trong lĩnh vực an ninh khu vực, Trung Quốc đang tăng cường sử dụng các diễn đàn riêng để xây dựng các cấu trúc làm giảm khả năng của Mỹ có thể giúp quản lý và giải quyết các xung đột trong khu vực”, báo cáo viết. Không chỉ tìm cách giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ trong việc giải quyết xung đột, Bắc Kinh còn đang gia tăng nỗ lực tạo ra các thiết chế kinh tế, tài chính và chính trị nhằm cung cấp công cụ thay thế trật tự thế giới truyền thống do phương Tây lãnh đạo.

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, Tòa án Trọng tài quốc tế (trụ sở tại Hà Lan) sẽ nhóm họp từ ngày 7 đến 13/7 để nghe trình bày về đơn kiện của Philippines, tố cáo Trung Quốc lấn chiếm biển đảo. Đơn kiện được Philippines gửi lên tòa án vào hồi tháng Giêng năm 2013. Chính phủ Philippines đã nhờ luật sư Mỹ hỗ trợ phái đoàn chính phủ và ngoại giao Philippines tại tòa án. Manila kêu gọi tòa án phân xử những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh là không có hiệu lực và vi phạm luật quốc tế. 

MỚI - NÓNG