Với việc Trung Quốc khẳng định 220 tàu đang hiện diện ở đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là tàu cá, Việt Nam có thể áp dụng luật của mình với tàu dân sự hoặc phối hợp với các nước liên quan khác để có hành động tập thể. PGS Seta Makoto, Phó giáo sư ngành luật quốc tế tại ĐH Yokohama, Nhật Bản, nói như vậy tại hội thảo trực tuyến về Biển Đông từ quan điểm luật pháp quốc tế do Đại sứ quán Nhật Bản phối hợp với Học viện Ngoại giao Việt Nam tổ chức ngày 30/3.
Dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về quyền miễn trừ tài phán của quốc gia và tài sản của họ, lực lượng bảo vệ bờ biển của nước này không được quyền dùng vũ lực với lực lượng bảo vệ bờ biển của nước kia. Một ví dụ là khi tàu hải cảnh Trung Quốc bám đuôi tàu cá Nhật Bản ở khu vực quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc coi là đánh bắt trái phép nhưng Nhật Bản coi là đánh bắt hợp pháp, các tàu bảo vệ bờ biển Nhật Bản chỉ cố gắng can thiệp để ngăn hành động của hải cảnh Trung Quốc nhưng hải cảnh của hai nước không thể dùng vũ khí với nhau, nếu không sẽ vi phạm quyền miễn trừ quốc gia.Tại hội thảo, PGS Seta đã phân tích những điểm bất thường trong luật hải cảnh mới mà Trung Quốc áp dụng từ ngày 1/2. Ông Seta nói rằng luật này của Trung Quốc rất mơ hồ, có thể vi phạm luật quốc tế.
Về việc 220 tàu Trung Quốc đang hiện diện ở đá Ba Đầu thuộc cụm Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, PGS Seta nói rằng Trung Quốc khẳng định chính thức rằng đó là các tàu cá, không phải tàu dân quân. Nếu là tàu cá nghĩa là tàu dân sự, nên luật về miễn trừ quốc gia không được áp dụng. Học giả này nói rằng với khẳng định đó của Trung Quốc, Việt Nam có thể áp dụng luật của mình đối với các tàu dân sự nước ngoài hiện diện trong vùng biển của Việt Nam.
PGS Seta nói rằng luật hải cảnh mới của Trung Quốc cố tình “mập mờ chiến lược”. Ông chỉ ra 3 điểm mơ hồ. Điều 20 nói rằng hải cảnh nước này có thể tháo dỡ những công trình của các tổ chức và cá nhân nước ngoài trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. PGS Seta đặt câu hỏi rằng cụm từ “các tổ chức và cá nhân nước ngoài” có bao gồm chính phủ nước ngoài hay không.
Điều 21 nói rằng hải cảnh Trung Quốc có quyền thực hiện những biện pháp như đẩy đuổi và buộc các tàu chiến và tàu công vụ nước ngoài ra khỏi vùng biển khi họ vi phạm luật Trung Quốc và không tuân thủ hướng dẫn. PGS Seta nói rằng điều này có thể vi phạm quy định về miễn trừ quốc gia. Điều 22 của luật nói rằng hải cảnh Trung Quốc có quyền thực hiện mọi biện pháp cần thiết, như sử dụng vũ khí, khi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc bị các tổ chức và cá nhân nước ngoài xâm phạm, hoặc gần như bị xâm phạm. PGS Seta đặt câu hỏi: “Tổ chức nước ngoài” ở đây có phải chỉ ngụ ý nói về khủng bố? Và sự xâm phạm đó có phải chỉ là tấn công vũ trang hay cả những xâm phạm phi vũ trang?
PGS Seta nói rằng với luật hải cảnh mới, Trung Quốc cố ý mập mờ và sẵn sàng sử dụng vũ khí với tàu nước ngoài ở những vùng biển mà Bắc Kinh coi là thuộc quyền tài phán của họ.
Mỹ gần đây đẩy mạnh hợp tác Bộ Tứ (bốn nước gồm Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ) để đối phó với sức mạnh và tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Trả lời câu hỏi rằng khi Trung Quốc tiếp tục diễn giải luật pháp quốc tế theo cách của mình và bắt nạt các nước liên quan khác, liệu Bộ Tứ có thể là cách hiệu quả để đối phó, PGS Seta nói các nước cần tuân thủ luật quốc tế. Ông không ủng hộ các hoạt động quân sự. “Phối hợp là điều quan trọng, để có thể cùng hành động chung nhằm đạt được hiệu quả khi áp dụng những biện pháp như trừng phạt kinh tế”, ông Seta nói.