Trung Quốc bị chỉ trích cố bóp méo câu chuyện COVID-19 và vắc-xin

Một bộ đồ bảo hộ treo bên trong phòng thí nghiệm Ft.Detrick của Mỹ. (Ảnh: AP)
Một bộ đồ bảo hộ treo bên trong phòng thí nghiệm Ft.Detrick của Mỹ. (Ảnh: AP)
TPO - Báo chí nhà nước Trung Quốc đang cố tô đậm hoài nghi về khả năng vắc-xin COVID-19 của hãng Pfizer và BioNTech có thể gây tử vong cho những người cao tuổi. Một phát ngôn viên của chính phủ Trung Quốc còn kêu gọi WHO điều tra một phòng thí nghiệm quân sự của Mỹ.

Khi đối mặt với những hoài nghi liên quan đến số liệu về sự an toàn của các loại vắc-xin COVID-19 do nước này sản xuất cũng như những chỉ trích về cách xử lý dịch bệnh ở giai đoạn đầu, Trung Quốc đang phản công bằng cách tô đậm những giả thuyết ngoài lề mà các chuyên gia cho rằng có thể gây tác hại.

Báo chí và một số quan chức Trung Quốc đang reo rắc hoài nghi về các loại vắc-xin của phương Tây cũng như nguồn gốc của virus corona nhằm đáp trả những chỉ trích nhằm vào nước này. Cả hai vấn đề đều trở thành tâm điểm vì chương trình tiêm chủng đang được triển khai ở nhiều nơi trên thế giới, trong khi một nhóm nhà khoa học quốc tế của WHO đang ở Vũ Hán để điều tra nguồn gốc đại dịch.

Việc tô đậm những giả thuyết ngoài lề này được cho là chủ yếu nhắm vào dư luận trong nước. Hashtag “Ft.Detrick của Mỹ” do Đoàn thanh niên Cộng sản Trung Quốc khởi xướng đã được xem ít nhất 1,4 tỷ lần trong tuần trước, sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi WHO điều tra phòng thí nghiệm các vũ khí sinh học ở bang Maryland, Mỹ.

“Mục đích của họ là chuyển hướng chỉ trích từ sai lầm của chính quyền Trung Quốc trong giai đoạn đầu của đại dịch sang thuyết âm mưu nhằm vào Mỹ. Chiến thuật này khá thành công nhờ tư tưởng chống Mỹ phổ biến ở Trung Quốc”, AP dẫn lời ông Fang Shimin, một cây viết người Trung Quốc ở Mỹ được biết đến với những lần vạch trần các vụ sử dụng bằng cấp giả và những gian lận khác trong giới khoa học Trung Quốc.

Yuan Zeng, một chuyên gia về mạng xã hội Trung Quốc tại ĐH Leeds ở Anh, nói rằng những câu chuyện của chính phủ được lan truyền rộng đến mức ngay cả những người bạn Trung Quốc có học thức của chị cũng hỏi xem liệu chúng có đúng không.

“Kích động nghi ngờ và lan truyền thuyết âm mưu sẽ càng gây rủi ro cho y tế cộng đồng khi các chính phủ đang nỗ lực trấn an người dân về vắc-xin”, Zeng nói.

Trong vụ việc mới nhất, báo chí Trung Quốc kêu gọi điều tra 23 trường hợp người cao tuổi ở Na Uy tử vong sau khi tiêm vắc-xin của Pfizer. Một người dẫn chương trình của đài truyền hình trung ương Trung Quốc CGTN (kênh tiếng Anh) và Thời báo Hoàn cầu cáo buộc báo chí phương Tây phớt lờ thông tin này.

Các chuyên gia y tế nói rằng tử vong trong quá trình tiêm chủng có thể không phải do vắc-xin. Một ban chuyên gia của WHO kết luận rằng vắc-xin “không đóng vai trò đóng góp” vào các ca tử vong ở Na Uy.

Trước đó, các nhà nghiên cứu Brazil nói rằng hiệu quả của một loại vắc-xin COVID-19 của Trung Quốc thấp hơn thông báo trước đây. Các nhà nghiên cứu ban đầu nói rằng vắc-xin Sinovac đạt hiệu quả 78%, nhưng các nhà khoa học Brazil nói rằng hiệu quả chỉ khoảng 50,4%.

Sau khi có thông tin đó, các nhà nghiên cứu ở Viện chính sách chiến lược Úc cho biết họ phát hiện các báo chí Trung Quốc tăng cường tuyên truyền những thông tin sai lệch về vắc-xin của phương Tây.

Vài chục bài báo trên các báo mạng và blog về y tế và sức khỏe ở Trung Quốc đã xoáy vào hoài nghi về hiệu quả của vắc-xin Pfizer.

Ông Fang cho rằng Trung Quốc đang cố gây nghi ngờ về vắc-xin của Pfizer để cứu thể diện và quảng bá cho vắc-xin của mình.

Các quan chức Trung Quốc không ngần ngại thể hiện quan ngại về những vắc-xin sử dụng công nghệ mRNA của các hãng dược phương Tây. Công nghệ đó hiện đại hơn phương pháp truyền thống mà các vắc-xin Trung Quốc đang sử dụng.

Hồi tháng 12, Gao Fu, giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Trung Quốc, nói rằng không thể loại trừ khả năng các vắc-xin mRNA có tác dụng phụ. Nhấn mạnh rằng đây là lần đầu tiên những vắc-xin đó được tiêm cho người khỏe mạnh, ông Gao nói “có những quan ngại về tính an toàn”.

Việc đoàn chuyên gia của WHO đến Vũ Hán khơi lại những chỉ trích gay gắt lâu nay rằng Trung Quốc đã để virus lan khắp toàn cầu vì hành động quá chậm chạp ở giai đoạn đầu, ngăn cản các bác sĩ đã lên tiếng cảnh báo cộng đồng. Nhóm chuyên gia quốc tế sẽ bắt đầu điều tra thực địa trong tuần này, sau khi kết thúc 14 ngày cách ly.

Giới chức Trung Quốc coi cuộc điều tra của WHO là một rủi ro chính trị vì sẽ gây chú ý vào phản ứng của Trung Quốc, ông Jacob Wallis, một nhà phân tích cấp cao tại Viện chính sách chiến lược Úc, nhận định.

Vì thế, Trung Quốc muốn “lái chú ý của dư luận trong nước và quốc tế bằng cách bóp méo câu chuyện về trách nhiệm dẫn đến sự xuất hiện của đại dịch COVID-19”, ông Wallis nói.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuần trước kêu gọi WHO điều tra một phòng thí nghiệm quân sự ở Mỹ. CGTN và các báo đài khác trước đó cũng nhấn vào địa điểm này.

“Nếu Mỹ tôn trọng sự thật, hãy mở cửa Ft. Detrick và cung cấp thông tin cho công luận về khoảng 200 phòng thí nghiệm sinh học bên ngoài Mỹ, và hãy cho phép nhóm chuyên gia của WHO vào Mỹ để điều tra nguồn gốc”, bà Hoa nói.

Phát biểu của bà trở thành một trong những chủ đề được quan tâm nhất trên mạng xã hội Sina Weibo.

Theo theo AP
MỚI - NÓNG
Bất ngờ với bảng giá đất mới của TPHCM
Bất ngờ với bảng giá đất mới của TPHCM
TPO - Dự kiến, bảng giá đất điều chỉnh của TPHCM sẽ được ban hành vào chiều ngày 16/10. Tuy nhiên, mức giá lại giảm mạnh so với trước kia. Chẳng hạn, đất thương mại dịch vụ tại đường Đồng khởi, quận 1 đang thu theo mức bình quân là 9 triệu đồng/m2/năm nhưng bảng giá đất mới là 5 triệu đồng/m2/năm.
Kịch bản mới nhất về tăng trưởng kinh tế năm nay
Kịch bản mới nhất về tăng trưởng kinh tế năm nay
TPO - Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm nay có thể đạt mức tăng 7% như mục tiêu của Chính phủ. Tuy nhiên, cơ quan này cũng lưu ý một số rủi ro trong quý IV về cơ cấu tăng trưởng, nhu cầu thị trường thấp...