Trọn lý và tình vụ MH 370

Máy bay MH 370 đang mất tích đầy bí ấn
Máy bay MH 370 đang mất tích đầy bí ấn
TP - Mới đây, Tổng Giám đốc cơ quan hàng không dân dụng của Malaysia cho rằng khi MH370 đã vượt qua điểm bay Igary trên biển Đông, chiếc phi cơ chính thức thuộc trách nhiệm của đài kiểm soát không phận Việt Nam. Nhưng thực hư của vấn đề thế nào?

Chiếc MH 370 mất tích cho đến nay vẫn chưa tìm được và mới đây Tổng Giám đốc cơ quan hàng không dân dụng của Malaysia (DCA) ông Datuk Azharuddin Abdul Rahman cho rằng khi máy bay này đã vượt qua điểm bay Igary trên biển Đông, chiếc phi cơ chính thức thuộc trách nhiệm của đài kiểm soát không phận Việt Nam. Nhưng thực hư của vấn đề thế nào?

Chúng tôi có mặt tại Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam ngay sau khi MH 370 mất tích và chứng kiến phản ứng của cơ quan này cũng như mục sở thị đường bay của chiếc phi cơ xấu số ấy qua thuyết trình của những người trong cuộc, vì thế, chúng tôi thấy cần phải lên tiếng trước cáo buộc về trách nhiệm của vị giám đốc DCA Malaysia...

MH 370 đã vào không phận Việt Nam chưa?

Sáng ấy, vừa trở về từ đảo Phú Quốc, ông Đỗ Quang Việt- Tổng Giám đốc Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam chỉ vào tấm bản đồ trong phòng làm việc, nói với chúng tôi:

“Thông thường thì các máy bay từ các vùng bên cạnh đến trước khi bắt đầu bay đến vùng chuyển giao kiểm soát tức là biên giới giữa 2 vùng thông báo bay. Cụ thể là trước khi chiếc MH 730 bay đến đây thì bên Malaysia đã thông báo cho chúng ta biết là chuyến bay số hiệu như vậy thì độ cao như vậy, giờ dự kiến như vậy sẽ đến vùng trời của Việt Nam. Khi nhận được thông báo, chúng tôi sẽ có một kế hoạch chỉ huy cho MH 370.

Nhưng khi máy bay còn cách điểm chuyển giao này (điểm Igary) thì máy bay mất tín hiệu radar. Phải khẳng định máy bay vẫn còn nằm trong vùng kiểm soát của Malaysia, vẫn còn nằm trong tầm liên lạc và kiểm soát của Malaysia chưa sang mình thì nó đã mất tín hiệu radar rồi”.

Trọn lý và tình vụ MH 370 ảnh 1

Ông Đỗ Quang Việt - Tổng giám đốc Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam khẳng định MH370 chưa vào vùng chuyển giao với Việt Nam

Cây thước trên tay ông Việt chỉ vào điểm Igary. Tôi hỏi: “Vì sao ông có thể khẳng định máy bay chưa vào vùng Fir của ta thì đã mất tín hiệu radar?”.

Ông Việt nhấn mạnh: “Màn hình radar của chúng tôi có thể quét tới. Truy xuất màn hình radar ở hệ thống lưu trữ cho thấy tại điểm máy bay mất tín hiệu thì đầu của máy bay đã lệch sang phía Tây, chứ không đi thẳng hướng TPHCM như đã định”.

Điều ông Việt nói khớp với thông tin phía Thủ tướng Malaysia khẳng định mới đây: MH 370 đã bị ai đó ép buộc chuyển hướng về phía Tây, về phía Ấn Độ Dương.

Sau khi chiếc MH 370 mất tín hiệu radar, phía Malaysia không thông báo gì cho Trung tâm điều khiển không lưu đường dài (ACC) TPHCM. Nhưng phía ACC TPHCM biết được dự kiến giờ đến của chiếc máy bay này nên vẫn thiết lập liên lạc với máy bay. Thực tế đã có một số trường hợp máy bay mất tín hiệu radar nhưng vẫn bay bình thường.

Phía ACC đã gọi cho MH 370 rất nhiều lần nhưng không thấy trả lời, trên màn hình radar cũng không hề có tín hiệu. Vì vậy, ACC TPHCM đã dùng những máy bay đang bay trong vùng lân cận gọi MH 370 nhưng cũng không liên lạc được. Tình thế như vậy, theo quy trình, buộc phải tiến hành báo động.

Tổng công ty quản lý bay Việt Nam lập tức thu thập các số liệu trên màn hình radar và bản đồ, nghiên cứu về khí tượng, thời tiết, các điều kiện về gió và hướng mũi của máy bay tại thời điểm mất liên lạc. Vùng giả định máy bay mất tích được thiết lập. Ngay sau đó, máy bay của Việt Nam và các nước bạn tập trung bay tìm kiếm ở vùng giả định ấy.

Việt Nam đã thể hiện một sự phản ứng rất nhanh với tinh thần quốc tế và nhân văn khiến cả thế giới phải ghi nhận. Tất cả lực lượng ở các địa phương, toàn bộ bộ đội biên phòng, hải quân, cảnh sát biển, rồi lực lượng cứu hộ hàng hải chúng ta được huy động vào cuộc.

Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam mới đây cũng đã khẳng định: “Máy bay mang số hiệu MH370 đã mất tín hiệu trước khi tới điểm chuyển giao và tổ bay chưa thiết lập liên lạc với cơ quan điều hành bay của Việt Nam. Do vậy, việc chuyển giao chưa được hoàn tất. Việt Nam chưa thực hiện điều hành, kiểm soát với máy bay này. Cơ quan không lưu của hai bên đã hiệp đồng thời điểm chuyển giao là 17 giờ 22 phút (giờ quốc tế), nhưng đến 17 giờ 20 phút 43 giây, đài kiểm soát không lưu đường dài Hồ Chí Minh (ACC Hồ Chí Minh) không nhận được tín hiệu của chiếc máy bay này.

Trên hệ thống của Malaysia cũng ghi nhận, thời điểm cuối cùng có tín hiệu máy bay trên màn hình radar là trước 17 giờ 22 phút. Lúc này, máy bay đang ở trong vùng thông báo bay của Singapore và được Singapore ủy quyền cho Malaysia điều hành. Theo Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), trong trường hợp máy bay mất tích đang bay tại vùng giáp ranh giữa các vùng thông báo bay thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về quốc gia có liên lạc cuối cùng với máy bay. Ở trường hợp này, trách nhiệm phải thuộc về Malaysia”.

Những ngày tìm kiếm MH 370

Theo thông lệ quốc tế, khi máy bay chưa vào vùng Fir của ta mà bị mất tích thì trách nhiệm tìm kiếm thuộc về phía Malaysia, nhưng Việt Nam đã thể hiện một sự phản ứng rất nhanh với tinh thần quốc tế và nhân văn khiến cả thế giới phải ghi nhận. Tất cả lực lượng ở các địa phương, toàn bộ bộ đội biên phòng, hải quân, cảnh sát biển, rồi lực lượng cứu hộ hàng hải chúng ta được huy động vào cuộc.

Trọn lý và tình vụ MH 370 ảnh 2

Màn hình radar của Việt Nam cho thấy MH370 chưa vào điểm Igary

Ông Đỗ Quang Việt nhận định: “Máy bay dài hơn 60m, sải cánh cũng gần 50m thì rất to, nếu bị nổ trên trời hoặc rơi xuống biển vỡ ra thì tại thời điểm đó chúng ta có thể thấy nhiều mảnh vỡ. Hoặc rất nhiều vùng mà ngư dân đánh cá có thể trông thấy (mùa này ngư dân đánh cá ở khu vực đó rất nhiều). Độ sâu mặt biển ở đó cũng chỉ khoảng 30m.

Trong quá trình tìm kiếm như vậy, chúng tôi nhận rất nhiều thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Thật sự, chúng tôi cũng phải tổ chức kiểm chứng toàn bộ, bởi vì bỏ qua một thông tin nào đó thì chúng ta cũng không lường được điều gì sẽ xảy ra. Nhưng thông tin nào cũng kiểm tra thì thật sự rất tốn kém”.

Trong một thời gian ngắn, nhiều nguồn thông tin về máy bay MH 370 ập đến, tin nào nghe có vẻ cũng thuyết phục.

Thông tin đầu tiên là ở dàn khoan DS C6 phát hiện một hình ảnh giống cánh cửa máy bay lênh đênh trên biển. Nhưng khi máy bay đến nơi thì “cánh cửa” đã biến mất. Ngày hôm sau khi máy bay của ta bay trên khu vực đó thì phát hiện rất nhiều vết dầu loang. Nhưng sau khi phân tích thì đó không phải dầu của MH 370. Một lần khác, máy bay của Singapore báo tin nhìn thấy một vật thể như xuồng cao su.

Nhưng khi lực lượng tìm kiếm của Việt Nam cử đội quân ra vớt thì lại không phải. Sau đó, tìm kiếm ở khu vực này lại thấy một vật thể dạng hộp đã có rêu bám, chứng tỏ vật thể này đã rơi ở biển lâu rồi. Lãnh sự quán Trung Quốc gọi cho ông Đỗ Quang Việt cho hay vệ tinh Trung Quốc phát hiện một đám cháy cách Đông Nam TPHCM 37 km.

Nhưng khi đến nơi thì đó chỉ là một đám cháy nhỏ ở khu vực nghĩa trang. Thậm chí một nhà ngoại cảm ở Mỹ Tho còn khẳng định chỉ đúng vị trí máy bay rơi nhưng khi kiểm tra thì chẳng có gì. Tất cả các nguồn tin về MH 370 hầu như đều được lực lượng tìm kiếm của Việt Nam kiểm chứng nhưng rốt cuộc vẫn trong tình trạng đáy biển mò kim.

Những ngày ấy, rất nhiều máy bay của Việt Nam và các nước bạn được tung lên bầu trời và quần thảo trong một khu vực hạn chế nguy cơ dẫn đến tai nạn hàng không. Không thể loại trừ nguy cơ máy bay chưa tìm được MH 370 thì lại gặp nạn. Chính vì vậy, những ngày đó, ông Đỗ Quang Việt – gần như “trực chiến” ở đảo Phú Quốc để chỉ huy việc phối vị độ cao, đảm bảo an toàn cho các máy bay. 

Việt Nam liên lạc thường xuyên với Malaysia để phối hợp tìm kiếm cứu nạn. Những thông tin mà Tổng Công ty bay Việt Nam nắm được đều báo cho hàng không Malaysia. Nhưng phía Malaysia thì hầu như không có thông tin nào cho Việt Nam.

Chỉ một lần duy nhất họ gửi thông tin vào e-mail của Trưởng bộ phận ACC TPHCM. Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam đã 02 lần gửi văn bản sang Malaysia để hỏi về thông tin MH 370 bay về eo biển Malacca nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Việt Nam đã huy động nhân tài vật lực vào cuộc tìm kiếm MH 370 và chỉ dừng khi được khẳng định, máy bay này không rơi ở khu vực biển Đông. Điều đó đã được cả thế giới ghi nhận, chứ đâu phải vì một lời nói của vị Tổng giám đốc DCA mà trách nhiệm ấy, nghĩa cử ấy bỗng dưng “mất tích”.

MỚI - NÓNG