Tránh phí chồng phí

TP - Trong Dự thảo Luật Đường bộ mới nhất, Bộ GTVT đề xuất quy định 2 loại phí sử dụng đường bộ (phí đường bộ), gồm phí thu theo đầu phương tiện đang thực hiện và phí phương tiện đi cao tốc do Nhà nước đầu tư, quản lý (gọi tắt là phí cao tốc). Cả 2 loại phí này đều nộp về ngân sách nhà nước. Dù vậy, Bộ GTVT khẳng định, không có chuyện phí chồng phí.

Thu phí cao tốc đầu tư công

Bộ GTVT vừa gửi lấy ý kiến các bộ, ngành về Dự thảo Luật Đường bộ (thay Luật Giao thông đường bộ năm 2008, khi luật cũ được tách thành 2 luật mới). Ở dự thảo mới nhất, Bộ tiếp tục giữ quy định thu 2 loại phí giao thông đường bộ, gồm: phí sử dụng đường bộ (đang thu qua đầu phương tiện); phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác.

Với quy định trên, ô tô sẽ phải trả 2 loại phí đường bộ. Ngoài loại phí đường bộ đang thu, ô tô còn phải trả thêm phí khi đi cao tốc đầu tư công, cao tốc xã hội hóa đầu tư hết hợp đồng được chuyển giao về Nhà nước quản lý (nghĩa là tất cả cao tốc đều thu phí vô thời hạn). Việc thu phí cao tốc có thể do Nhà nước trực tiếp thu, hoặc chuyển nhượng, thuê thực hiện. Mức phí đường cao tốc quốc gia do Bộ Tài chính ban hành, mức phí cao tốc địa phương quản lý do HĐND cấp tỉnh ban hành.

Tránh phí chồng phí ảnh 1

Cao tốc Bắc – Nam đầu tư bằng ngân sách nhà nước chưa được tổ chức thu phí, tuy nhiên, biển báo trạm thu phí đã được lắp đặt để sẵn sàng chuẩn bị thu. Ảnh: H.Việt

Trước đó, ngày 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến Dự thảo Luật Đường bộ, có ý kiến đại biểu cho rằng, cần giải trình rõ hơn phí đường bộ và phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, để tránh dư luận hiểu là phí chồng phí, do đường cao tốc là một loại đường bộ.

Thẩm định dự luật trên, Bộ Tư pháp cũng cho rằng, dự luật quy định 2 loại phí đường bộ là phức tạp, đã được Chính phủ thảo luận, nhưng chưa thống nhất, có thể dẫn đến trùng các loại phí đường bộ. Do đó, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ GTVT đánh giá thêm sự cần thiết, cơ sở thực tiễn của quy định phí cao tốc. Cũng có ý kiến thành viên hội đồng thẩm định đề xuất, nếu thu phí với cao tốc do Nhà nước đầu tư, thì không thu phí với các đường khác không phải đường cao tốc (bỏ phí sử dụng đường bộ). Cùng với luật hóa thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư thông qua việc đưa vào Dự thảo Luật Đường bộ, Bộ GTVT đang hoàn thiện đề án thu phí cao tốc đầu tư công. Đề án này vừa được Bộ GTVT trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép thực hiện trước khi luật trên có hiệu lực.

Đề xuất mua lại, bỏ các trạm thu phí trên Quốc lộ 1A

Trước những ý kiến lo ngại phí chồng phí khi đường bộ có phí chung và phí riêng cho cao tốc do Nhà nước đầu tư, trong giải trình của mình, Bộ GTVT cho rằng, ô tô đi trên cao tốc sẽ nhanh và an toàn hơn đi ở đường thông thường; tiết kiệm thời gian, chi phí cho chủ xe. Song song với đường cao tốc đều có các tuyến đường bộ khác, như cao tốc Bắc - Nam có Quốc lộ 1A song hành, chủ phương tiện có quyền lựa chọn đi đường thông thường không mất phí. “Vì vậy, quy định thu phí sử dụng đường bộ qua đầu phương tiện như hiện nay không bị chồng phí sử dụng đường bộ cao tốc”, Bộ GTVT lập luận.

Về phí sử dụng đường bộ (trước đây là phí bảo trì đường bộ), được thu nộp vào ngân sách và chi ngược lại cho bảo trì đường bộ, bình quân mỗi năm, Nhà nước thu khoảng 9.000 tỷ đồng. Bộ GTVT nêu quan điểm, thu loại phí này bảo đảm công khai, minh bạch và chi cho bảo trì để đường tốt hơn. Nhà nước điều chỉnh mức phí theo từng thời kỳ phù hợp với thực tiễn kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách và chi trả của người dân.

Về phí cao tốc Nhà nước quản lý, Bộ GTVT lý giải, Nhà nước đặt mục tiêu tới năm 2030 có 5.000km đường cao tốc, tổng vốn đầu tư khoảng 813.000 tỷ đồng. Riêng vốn từ nguồn ngân sách cần trên 239.000 tỷ đồng trong 10 năm tới (bình quân 24.000 tỷ đồng/năm). Khi phê duyệt chủ trương đầu tư cao tốc Bắc - Nam, Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu thu phí để thu hồi vốn đầu tư những dự án đầu tư công.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 đặt mục tiêu, tới năm 2030 có 5.000 km đường bộ cao tốc, tổng nhu cầu vốn khoảng 813 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 cần 393 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2026 – 2030 cần khoảng 121.000 tỷ đồng. Tổng vốn Nhà nước đầu tư cao tốc trong 10 năm tới cần trên 239 nghìn tỷ đồng, bình quân 24 nghìn tỷ đồng/năm.

“Nếu không có cơ chế tạo nguồn tài chính cho đầu tư, bảo trì đường bộ nói chung, đường cao tốc nói riêng sẽ không đảm bảo mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; không đảm bảo việc thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước”, lãnh đạo Bộ GTVT nêu quan điểm. Nếu không bổ sung phí cao tốc do Nhà nước đầu tư, đơn vị đề xuất cho rằng, sẽ không có thêm nguồn lực cho phát triển đường bộ, khó đạt mục tiêu làm đường cao tốc; tạo áp lực lên ngân sách và nợ công khi các dự án đường cao tốc đều có vốn đầu tư lớn.

Dù đồng ý với việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư, song một chuyên gia về giao thông cho rằng, mức thu phải thấp hơn mức phí thu ở những đoạn đường tương tự đầu tư theo hình thức BOT. Vì dùng ngân sách đầu tư cũng là tiền thuế của dân nên người dân đi đường cũng nên được ưu đãi hơn so với đi trên đường dùng vốn doanh nghiệp để làm. Bên cạnh đó, Bộ GTVT lý giải người dân có quyền chọn đi đường thông thường không mất phí, đi trên cao tốc phải mất phí, nhưng thực tế không hẳn như vậy.

Chuyên gia này dẫn chứng, cao tốc Bắc - Nam có Quốc lộ 1A song hành, tuyến quốc lộ này hiện có tới 31 trạm thu phí BOT hoạt động rải đều các miền. Nếu thu phí cao tốc, người dân đi đường nào cũng mất phí, không có lựa chọn miễn phí như lý giải của cơ quan soạn thảo luật. “Trước khi thu phí cao tốc đầu tư công như cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT nên có phương án trình cấp thẩm quyền xem xét mua lại và bỏ các trạm thu phí trên Quốc lộ 1A, hoặc tuyến đường bộ song song cao tốc đang thu phí BOT. Có như vậy mới công bằng và người dân thật sự có lựa chọn đường miễn phí hoặc đi trên đường cao tốc phải trả phí. Như thế mới không dẫn tới phí chồng phí”, vị chuyên gia góp ý.

Tin liên quan