Đề xuất thu phí đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chính phủ đề xuất phương án bổ sung quy định về thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện theo số km xe chạy trên đường do Nhà nước đầu tư và do nhà đầu tư chuyển giao cho Nhà nước.

5.000 km đường bộ cao tốc cần hơn 800.000 tỷ đồng

Luật Đường bộ là một trong những dự án sẽ được trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 24 tới đây. Dự án do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo, và Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thẩm tra.

Theo Bộ GTVT, để thực hiện mục tiêu 5.000 km đường bộ cao tốc, nhu cầu các nguồn vốn đầu tư đến năm 2030 khoảng hơn 800.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng hơn 390.000 tỷ đồng để hoàn thành 2.043 km và khởi công 925 km.

Cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng, nếu không có cơ chế tạo nguồn tài chính cho đầu tư, phát triển, bảo trì, sẽ không đảm bảo mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông đường bộ đồng bộ, hiện đại, đạt mục tiêu 5.000 km đường cao tốc theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; không đảm bảo việc thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước đối với dự án đường cao tốc sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công.

Đề xuất thu phí đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư ảnh 1
Đề xuất thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Chính vì vậy, mục tiêu chính sách được đưa ra là xây dựng khung pháp lý, huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nói chung, đường cao tốc nói riêng nhằm xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hiện đại, kết nối đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế.

Trên cơ sở đó, cơ quan trình dự án đề xuất hai giải pháp để giải quyết vấn đề, trong đó, giải pháp 1 vẫn là giữ nguyên các quy định hiện hành.

Trong khi đó, giải pháp 2 được Chính phủ đề xuất bổ sung quy định về thu phí sử dụng đường cao tốc thu đối với phương tiện lưu thông tính theo số km xe chạy trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư và do nhà đầu tư chuyển giao cho Nhà nước theo hợp đồng dự án thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư; các nguồn thu liên quan đến sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Tạo động lực thu hút đầu tư

Bộ GTVT đánh giá, đối với giải pháp 1, Nhà nước không cần phải thực hiện việc rà soát, điều chỉnh quy định về nguồn thu nộp ngân sách nhà nước từ tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Còn đối với người dân, doanh nghiệp thì các lợi ích kinh tế - xã hội đem lại vẫn giữ nguyên như hiện nay do các chính sách này không tạo nên những đột phá trong việc phát triển hạ tầng giao thông đường bộ hiện đại, đồng bộ.

Trong khi đó, phương án giữ nguyên quy định hiện hành có tác động tiêu cực với nhà nước khi không thu hút được nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân; không đảm bảo được mục tiêu đạt 5.000 km đường cao tốc đến năm 2030.

Đồng thời sẽ tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước, gây áp lực đối với trần nợ công trong khi hầu hết các công trình kết cấu hạ tầng đường bộ đều có quy mô lớn, tổng mức đầu tư cao.

Còn đối với người dân, doanh nghiệp thì không được sử dụng hệ thống giao thông đường bộ nói chung, hiện đại, kết nối đồng bộ; tăng chi phí về nhiên liệu, về thời gian, làm giảm hiệu quả kinh doanh…

Trong khi đó, theo cơ quan soạn thảo, giải pháp 2 giúp Nhà nước thu hút được nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân cho đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nói chung, đường cao tốc nói riêng.

Qua đó giúp đảm bảo được mục tiêu đạt 5.000 km đường cao tốc đến năm 2030; giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đặc biệt đối với các công trình kết cấu hạ tầng đường bộ đều có quy mô lớn, tổng mức đầu tư cao.

Đối với người dân, doanh nghiệp, được thụ hưởng những giá trị dịch vụ chất lượng và có mức chi phí phù hợp từ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đồng bộ, hiện đại, êm thuận và nối dài, thông suốt mọi miền trên đất nước; tiết kiệm chi phí nhiên liệu, thời gian, tăng hiệu quả kinh doanh.

Theo Bộ GTVT, phương án này tuy không gây tác động tiêu cực đối với nhà nước, nhưng với người dân, doanh nghiệp sẽ mất thêm chi phí sử dụng dịch vụ đường bộ, tuy nhiên được thụ hưởng những giá trị dịch vụ chất lượng, tiết kiệm chi phí nhiên liệu, thời gian, tăng hiệu quả kinh doanh…

Từ những phân tích nêu trên, theo cơ quan soạn thảo, giải pháp tối ưu cho vấn đề này là phương án 2. “Chính sách này sẽ tạo động lực cho sự thu hút các nguồn lực tham gia đầu tư, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường cao tốc ngày một hiện đại, đồng bộ”, Bộ GTVT khẳng định.

MỚI - NÓNG