Trạm vô tuyến 'ma' giữa đầm lầy phát mật mã bí ẩn suốt 40 năm

Trạm Buzzer phát tín hiệu bí ẩn suốt gần 40 năm. Ảnh: BBC.
Trạm Buzzer phát tín hiệu bí ẩn suốt gần 40 năm. Ảnh: BBC.
Trạm Buzzer liên tục phát đi những tín hiệu khó hiểu nhưng không có bất cứ tổ chức, cá nhân nào thừa nhận sở hữu cơ sở này.

Giữa một đầm lầy gần thành phố St Petersburg, Nga, có một cụm công trình cũ được xây dựng từ thời Chiến tranh Lạnh, gồm nhiều tháp vô tuyến, các tòa nhà bỏ hoang và hệ thống lưới điện. Người ta cho rằng đây là trụ sở của MDZhB – trạm vô tuyến mà đến nay chưa một tổ chức hay cá nhân nào xác nhận quyền sở hữu, theo BBC.

Suốt gần 40 năm qua, nó luôn truyền đi một âm thanh đều đều khó hiểu. Cứ cách vài giây, một âm thanh kỳ lạ thứ hai sẽ chen vào, sau đó tín hiệu lại tiếp tục phát đi. Một hoặc hai lần mỗi tuần, sẽ có tiếng người đọc một số từ tiếng Nga như "thuyền nhỏ" hoặc "chuyên gia nông nghiệp". Bất cứ ai, ở bất cứ nơi nào trên thế giới, cũng có thể nghe thấy tín hiệu này bằng cách chỉnh đài đến tần số 4625 kHz.

Ngày nay, trạm vô tuyến được đặt tên là "The Buzzer" và có hàng nghìn người theo dõi trên mạng. "Hoàn toàn không có chút thông tin nào trong tín hiệu phát đi", David Stupples, chuyên gia về tín hiệu tình báo tại Đại học City, London cho biết.

Người ta cho rằng tần số này thuộc về quân đội Nga, dù Moscow chưa từng thừa nhận. Tín hiệu bắt đầu truyền đi từ cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Kỳ lạ là sau khi Liên Xô tan rã, trạm không những không đóng cửa mà còn tăng cường hoạt động. Ngày nay tín hiệu được phát từ hai nơi: St Petersburg và một địa điểm gần Moscow.

Các nhà nghiên cứu đưa ra rất nhiều giả thuyết về mục đích của trạm Buzzer – từ hoạt động liên lạc với tàu ngầm cho đến tín hiệu kết nối với người ngoài hành tinh. Có ý kiến cho rằng trạm Buzzer hoạt động giống hệ thống "Bàn tay Thần Chết" của Nga. Khi nước này bị tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân, tín hiệu của Buzzer sẽ ngừng lại và tự động kích hoạt một đợt tấn công trả đũa.

Trạm vô tuyến 'ma' giữa đầm lầy phát mật mã bí ẩn suốt 40 năm ảnh 1

Nhiều người cho rằng Buzzer dùng để kích hoạt đòn trả đũa hạt nhân. Ảnh: Independent.

Tín hiệu cũng ẩn chứa một vài manh mối. Giống như mọi đài quốc tế, Buzzer vận hành ở tần số tương đối thấp, gọi là "sóng ngắn". Điều này nghĩa là so với tín hiệu của đài địa phương, điện thoại di động hoặc TV thì lượng sóng đi qua một điểm mỗi giây ít hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa chúng có thể truyền đi xa hơn.

Tín hiệu vô tuyến tần số cao chỉ có thể đi theo đường thẳng, cuối cùng biến mất khi gặp vật cản hoặc chạm đến đường chân trời. Nhưng sóng ngắn có thể phản xạ khi gặp các hạt tích điện trong tầng khí quyển trên cao, cho phép chúng di chuyển zig-zag giữa không trung và đi xa hàng nghìn kilomet.

Các tín hiệu sóng ngắn ngày nay được tàu thuyền, máy bay và quân đội các nước dùng phổ biến để truyền tin xuyên qua các dãy núi, lục địa và đại dương. Tuy nhiên, sử dụng sóng ngắn cũng có một vấn đề.

Lớp khí quyển phía trên không phẳng mà lượn sóng giống mặt biển. Ban ngày nó di chuyển cao hơn, còn ban đêm lại hạ xuống thấp. Nếu muốn đảm bảo người ở xa luôn nhận được tín hiệu, nhất là tín hiệu kích hoạt đòn trả đũa hạt nhân như giả thuyết "Bàn tay Thần Chết", trạm phát sóng phải thay đổi tần số theo từng thời điểm trong ngày. Nhưng trạm Buzzer lại không thay đổi như vậy.

Một ý kiến khác cho rằng trạm Buzzer dùng để đo xem tầng chứa các hạt tích điện cách xa đến đâu. "Nếu muốn thu được kết quả tốt từ những hệ thống radar mà Nga dùng để phát hiện tên lửa, bạn cần nắm được điều này", Stupples cho biết. Tín hiệu càng mất nhiều thời gian để chạm đến tầng khí quyển trên cao và trở về thì khoảng cách càng xa.

Giả thuyết này cũng không hợp lý. Để phân tích độ cao của tầng khí quyển, tín hiệu phải có một âm thanh nhất định, giống như tiếng còi báo động của ô tô. Theo Stupples, tín hiệu của Buzzer hoàn toàn không phải như vậy.

Giả thuyết tiếp theo liên quan đến khái niệm "trạm số". Để hiểu rõ khái niệm này cần ta cần trở lại những năm 1920. Khi đó, Arcos là một tổ chức thương mại quan trọng chịu trách nhiệm giám sát các giao dịch giữa Anh và Liên Xô.

Tháng 5/1927, cảnh sát Anh xông vào khám xét một cơ sở của Arcos. Tầng hầm lắp đặt hàng loạt thiết bị chống xâm nhập và họ phát hiện một căn phòng bí mật, trong đó các nhân viên đang vội vàng thiêu hủy tài liệu.

Người Anh cuối cùng không phát hiện ra gì quan trọng. Thay vào đó, cuộc đột kích này lại là một lời cảnh báo cho Liên Xô rằng cơ quan an ninh của Anh, MI5, đã luôn nghe lén những thông tin họ truyền phát. Do vậy, người Nga phát minh ra một phương pháp mã hóa tín hiệu hoàn toàn mới có tên OTP – mật mã dùng một lần.

Với phương pháp này, chìa khóa giải mã ngẫu nhiên được người gửi tạo ra và chỉ chia sẻ với người nhận. Miễn là chìa khóa đảm bảo tính hoàn toàn ngẫu nhiên thì mật mã không thể phá nổi.

Những trạm vô tuyến phát tín hiệu mã hóa như vậy gọi là trạm số. Người Anh cũng nhanh chóng học tập phương pháp này. Để đảm bảo tính ngẫu nhiên, họ treo một chiếc micro ngoài cửa sổ, hướng ra đường Oxford và thu âm tiếng ồn trên đường, chẳng hạn như tiếng còi xe và tiếng còi cảnh sát cùng lúc. Sự kết hợp âm thanh này là duy nhất, không ai có thể lặp lại. Sau đó, họ chuyển âm thanh này thành mã ngẫu nhiên.

Cách truyền tin mới hữu hiệu đến mức, không bao lâu sau các trạm số trở nên phổ biến khắp nơi trên thế giới. Một mạng lưới điệp viên Nga bị FBI phát hiện năm 2010 thừa nhận họ nghe chỉ dẫn qua thông điệp mã hóa trên sóng ngắn ở tần số 7887 kHz.

Trạm vô tuyến 'ma' giữa đầm lầy phát mật mã bí ẩn suốt 40 năm ảnh 2

Bất cứ ai cũng có thể nghe tín hiệu từ trạm Buzzer ở tần số 4625 kHz. Ảnh: iStock.

Các trạm số hiện vẫn hoạt động vì chúng có một ưu điểm lớn. Dù người ta có thể tìm ra điểm phát tín hiệu nhưng bất cứ ai cũng nghe thấy nên không thể biết tín hiệu đang được gửi cho ai.

Buzzer đến nay chưa gửi đi tín hiệu số nào. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng âm thanh lặp đi lặp lại mà nó phát ra chỉ là lời nhắn "tần số này là của tôi, tần số này là của tôi…" để ngăn mọi người sử dụng.

Buzzer sẽ chỉ trở thành trạm số khi nổ ra khủng hoảng, chẳng hạn như nước Nga bị xâm lược. Khi đó, nó sẽ đóng vai trò chỉ dẫn mạng lưới gián điệp toàn cầu và lực lượng quân đội đang chờ lệnh ở những nơi xa xôi.

Có bằng chứng cho thấy dường như các lực lượng này đã bắt đầu luyện tập. "Năm 2013, họ truyền đi một thông điệp đặc biệt, 'MỆNH LỆNH 135 ĐƯỢC BAN HÀNH'. Người ta cho rằng đây là thông điệp thử nghiệm cho khả năng sẵn sàng chiến đấu toàn diện", Maris Goldmanis, người theo dõi trạm Buzzer, cho biết.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG