Trắc trở ở chữ Danh

Các bản in nền. Ảnh: Trung Dũng.
Các bản in nền. Ảnh: Trung Dũng.
TP - Tủ sách Việt Nam danh tác ra mắt từ tháng 5 năm nay, nhằm giới thiệu lại với độc giả những cuốn sách từng vang bóng một thời. Bên cạnh sự hưởng ứng, việc tuyển lựa xuất bản còn gây nhiều tranh cãi. Tọa đàm Danh tác xưa, người đọc mới được mở (17/12), các bản in cũ được trưng bày (18-22/12) liệu có giải quyết thấu đáo vấn đề?

Lấn cấn câu chữ

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân khẳng định không có văn bản lý tưởng của các danh tác mà chỉ có các dị bản. Ông phân tích: “Quyển Sống mòn công bố năm 1956 chắc chắn khác với bản in hiện tại. Kinh nghiệm của các nhà nghiên cứu văn bản trên khắp thế giới cho thấy mỗi lần in là một lần tạo ra dị bản. Do chủ ý sửa đổi của tác giả, NXB, nhà cầm quyền. Và do khâu in ấn”.

Vì hầu hết tác phẩm quốc ngữ chưa trở thành đối tượng của những nghiên cứu văn bản học nên theo ông Ân, việc chọn bản nền cho tủ sách Việt Nam danh tác mất nhiều công sức với tiêu chí khắt khe vẫn khó “chuẩn chỉ”. Khó tránh khỏi lấn cấn câu chữ, thiếu đoạn này đoạn kia. Tam sao thất bản. Trong khi cả độc giả lẫn người nghiên cứu lại có xu hướng tìm kiếm sự hoàn thiện, bản thân ông không ngoại lệ.

Mấy năm trước, ông Ân có làm một nghiên cứu về tác phẩm Giông tố của Vũ Trọng Phụng. Bản nền đưa ra được chỉnh lý từ các bản in khác nhau. “GS Phạm Vĩnh Cư đã nhận xét rằng hình như tác giả hướng đến một văn bản lý tưởng và điều đó là sai lầm” – ông Ân kể lại.

“Bây giờ người ta hay gộp các tuyển tập thành những cuốn sách cực kỳ dày một hai ngàn trang, thường chỉ có tác dụng bày cho thích. Cho nên chúng tôi chọn tác phẩm lẻ, có thể tự đứng một mình trong tủ sách”. 

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân

Không chỉ bản in, việc chọn tác phẩm để in cũng là vấn đề được độc giả rất quan tâm. Trong hai chục cuốn văn, thơ ra lò thiếu một số tên tuổi quen thuộc, điển hình Nam Cao. “Nếu chọn những truyện ngắn hay nhất của Nam Cao thì lại thành tuyển tập mất rồi” – nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân lý giải – chúng tôi đặt tiêu chí chọn tác phẩm lẻ. Với Nam Cao, sẽ là Đôi lứa xứng đôi (hay Chí Phèo), một kiệt tác sống mãi với thời gian”.

“Ngoài khả năng tồn tại với thời gian, một danh tác được lựa chọn phải đem lại cho người đọc ý nghĩa nào đó ở thời điểm hiện tại dù ra đời trước đó rất lâu” - Tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu đưa quan điểm lựa chọn. Nhà nghiên cứu Đoàn Ánh Dương nhấn nhá thêm: “Phải là một tác phẩm mang tính điển phạm, nói cách khác phải được đem ra dạy. Để người đời sau còn suy nghĩ, giải đáp hoặc cật vấn về nó”.

Dền dứ cái lý cái tình

Buổi khai mạc trưng bày các bản in cũ, ông Lưu Trọng Dương- con trai nhà thơ Lưu Trọng Lư cũng tới dự. Ông Dương có cảm giác“được sống lại tuổi mười tám đôi mươi. Nhìn tập thơ cũ như thấy cha hiện về”.

Điều này trái ngược với phản ứng của gia đình nhà văn Ngô Tất Tố. Họ cho rằng hai cuốn Lều chõngViệc làng mới ấn hành trong tủ sách Việt Nam danh tác đã vi phạm quyền nhân thân tác giả.

Trước khi đem in, phía Nhã Nam đã tới thắp hương cho cố nhà văn đồng thời bàn chuyện xuất bản nhưng bị gia đình từ chối. Sách vẫn ra và tranh cãi đi kèm. Đôi bên đều viện quyền nhân thân làm cái lý cho mình và nghe như ai cũng có lý.

Nhà sưu tầm sách, báo cổ Yên Ba-người đóng góp khá nhiều công sức cho tủ sách lại không nghĩ điều đó quá quan trọng: “Đây là lần hiếm hoi tập hợp được lượng sách quý và hiếm như vậy. Những người yêu giá trị sách vở xưa cũ như tôi cảm thấy thật may mắn. Giá trị lớn nhất của sách là lưu lại thời gian trong những trang viết”.

Việc tranh cãi hiện nay có lẽ ở chữ Danh. Danh tiếng của tác phẩm đôi khi gây rắc rối cho nhiều người. Chẳng biết phải vì tò mò mà thấy mấy sinh viên chọn mua cuốn Lều chõng. Hoặc đơn giản như họ lý giải: “Bọn em là dân Ngữ văn. Mua cho đủ bộ, phục vụ học tập”. Danh tác phải mang tính điển phạm mà.

Nói lý phải nói tình. Sách in ra cuối cùng cũng nhằm phục vụ độc giả. Chữ nghĩa có lấn cấn một chút thì nên hiệu đính, thay vì cãi nhau. 

MỚI - NÓNG