Chuyện sẽ không có gì vì từ năm 2012, Bộ GD&ĐT đã có thông tư quy định dạy thêm học thêm, nhưng lần này, với quyết tâm siết nên thông tư mới đã đánh trực tiếp vào “nồi cơm” của nhiều giáo viên.
Có giáo viên không ngần ngại chia sẻ, quy định mới làm giảm thu nhập mỗi tháng vài chục triệu đồng. Nhưng không ít giáo viên chia sẻ mong muốn thông tư mới chấm dứt tình trạng vàng thau lẫn lộn. Đã là phụ huynh, chắc chắn ai cũng từng trải qua đắn đo có nên cho con đi học thêm hay không? Đắn đo đó có khi xuất phát từ nhu cầu mong muốn con có cơ hội được vào học môi trường tốt hơn, nhưng có khi là do bị ảnh hưởng bởi “quyền lực mềm” của giáo viên.
Trong suốt thời gian học phổ thông của con cái, hẳn phụ huynh được nghe ít nhất một đôi lần phàn nàn con học không tốt, hay thậm chí “chưa từng có lớp nào học lại kém như lớp này”… Những phàn nàn của giáo viên để phụ huynh lưu ý, quan tâm đến con em hơn nhưng cũng có phần nhắc nhở khéo “liệu liệu mà cho con đi học thêm, đừng để kém hơn”.
Nhắc khéo có khi còn lạc hậu, cao tay hơn, giáo viên sẽ tập trung ra bài kiểm tra trên lớp vào những phần chỉ dạy ở lớp học thêm. Không ít học sinh ấm ức, nằng nặc đòi bố mẹ cho đi học thêm vì điểm kiểm tra thấp, còn bạn đi học thêm điểm kiểm tra cao. “Ở trên lớp, cô giáo cứ thì thụt nói chuyện bài vở với những bạn học thêm, còn những bạn không học, như bị ra rìa”, những ấm ức này không phải không có cơ sở.
Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm do Bộ GD&ĐT ban hành đã phát lộ ra nhiều vấn đề của ngành giáo dục. Thứ nhất, các nhà trường lo lắng, nếu dừng các lớp dạy bổ trợ có thu tiền, chất lượng giáo dục không đảm bảo. Thứ hai, học sinh không tham gia các lớp học thêm, phụ huynh sẽ quản lí con em thế nào? Một nền giáo dục đã bị xô lệch vì dạy thêm, tâm lí phải học thêm mới đỗ bắt đầu từ khi nào? Có lẽ từ khi kinh tế phát triển, từ khi chỗ học của học sinh không đủ, từ khi có cuộc đua vào trường chuyên lớp chọn…
Trước Thông tư 29, người từng tham gia biên soạn Thông tư 17 về dạy thêm, học thêm (ban hành năm 2012) không tin tưởng quy định mới sẽ đưa dạy thêm, học thêm về đúng quỹ đạo. Bởi theo họ, Nhà nước có chính sách, giáo viên sẽ có đối sách. Quy định nào họ cũng có thể tìm cách để hợp lí hóa và đáp ứng đầy đủ.
Nhiều giáo viên đang làm thủ tục để đăng kí dạy thêm. Nhưng với quy định mới, không cho giáo viên dạy thêm chính học sinh của mình, nhiều người hy vọng sẽ trả lại sự tôn nghiêm của nhà giáo; phụ huynh, học sinh cũng bớt ấm ức vì những chiêu trò ép học sinh học thêm.
Một nền giáo dục mà mới chỉ có một thông tư siết dạy thêm, học thêm đã phát lộ nhiều thứ, giáo viên lo không đảm bảo chất lượng, phụ huynh lo con không đỗ trường công, trường chuyên lớp chọn… sẽ khó có thể phát triển bền vững. Một nền giáo dục dựa vào học thêm để đảm bảo đời sống cho giáo viên thì khó có thể là một “ngôi đền thiêng” bất khả xâm phạm.