Chia sẻ tại chương trình, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM (CATP) cho biết, qua tuyên truyền về an ninh trật tự ở cơ sở, khu phố, tính riêng trong năm 2023, CATP đã nhận được trên 15.900 tin báo của người dân, trong đó có hơn 1.900 vụ việc, hơn 2.200 đối tượng đã được phát hiện, xử lý với sự hỗ trợ của người dân.
Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin tại chương trình (Ảnh chụp màn hình). |
Theo Thượng tá Hà, để tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, CATP tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền trên báo chí, các trang thông tin điện tử, đặc biệt là ứng dụng mạng xã hội; phát huy vai trò, trách nhiệm của công an cấp xã; đồng thời quan tâm tuyên truyền, vận động người có uy tín trong tôn giáo, doanh nghiệp, trong cộng đồng dân cư.
“Chúng tôi nghiên cứu tới người có uy tín trên mạng xã hội, những người có tương tác tốt trên mạng xã hội với hàng chục triệu người theo dõi. Những người này mà ủng hộ lực lượng công an chia sẻ hay có những bài viết tích cực tuyên truyền thì tính lan tỏa đến người dân rất tốt", Thượng tá Lê Mạnh Hà nói.
Bên cạnh đó, CATP cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với nhân rộng các mô hình, giải pháp hay tuyên truyền, khen thưởng, biểu dương các cá nhân, tập thể tích cực; tăng cường, củng cố cho lực lượng công an cơ sở, cảnh sát khu vực.
Thiếu tướng Trần Đức Tài - Phó Giám đốc CATP, khẳng định phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” của TPHCM hết sức đa dạng, phong phú và khẳng định được hiệu quả trong việc góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố để thành phố bình yên và phát triển trong nhiều năm qua.
Lực lượng công an ở cơ sở tham gia đảm bảo an ninh trật tự trong Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ. Ảnh: Ngô Tùng |
Thiếu tướng Trần Đức Tài nhìn nhận, nơi nào chính quyền, nhân dân, đoàn thể quan tâm tới phong trào này thì nơi đó nhân dân, khu phố bình yên và người dân hưởng được sự bình yên, hạnh phúc để phát triển. Nơi nào có thiếu sót và chưa quan tâm đúng mức thì chắc chắn nơi đó có những khiếm khuyết. Do vậy, cần tập trung khắc phục để phong trào này được rộng khắp, đem lại hiệu quả thiết thực nhất cũng như niềm hạnh phúc cho nhân dân thành phố.
Tội phạm công nghệ mạng diễn biến phức tạp
Thông tin tại chương trình, Thượng tá Lê Minh Hải - Phó trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, cho biết, trong thời đại bùng nổ về công nghệ thông tin, hoạt động trên môi trường mạng gắn liền với đời sống xã hội, sinh hoạt hằng ngày của người dân.
Bên cạnh các hoạt động tích cực, tội phạm công nghệ mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến hết sức phức tạp. Đó là tình trạng tán phát các thông tin có tính chất độc hại hoặc phát tán, đăng tải tin giả, tin sai sự thật; tình trạng sử dụng công nghệ cao xâm phạm dữ liệu số, dữ liệu cá nhân và các hành vi lừa đảo trực tuyến, tín dụng đen ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Theo Thượng tá Lê Minh Hải, trước tình trạng trên, lãnh đạo Bộ Công an, Công an TPHCM đã triển khai nhiều biện pháp, tham mưu hoàn thiện nhiều văn bản pháp luật để tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực an ninh mạng; đồng thời tổ chức triển khai các quy định có liên quan về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
“Trong thời gian qua, Công an TPHCM đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng, vận hành 48 trang mạng, fanpage Facebook, kênh YouTube, Zalo Offical để làm kênh thông tin và tiếp nhận ý kiến, tin báo của nhân dân trên không gian mạng”, Thượng tá Hải cho hay.
Cùng với đó, CATP cũng tăng cường với các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước, các nhà mạng viễn thông từng bước xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật nhằm kiểm soát, hạn chế và xóa bỏ tình trạng sim rác, việc thuê mướn tài khoản ngân hàng; phòng chống rửa tiền; kịp thời phong tỏa các tài khoản có dấu hiệu nghi vấn lừa đảo…
Xử lý nghiêm minh đối tượng xâm hại người tố cáo
Trả lời về việc người dân bị xâm hại do thực hiện quyền tố cáo, Thượng tá Lê Văn Bách - Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM, cho biết trong trường hợp này, pháp luật cũng đã có các quy định để động viên, khen thưởng.
Đồng thời cũng có biện pháp đối với đối tượng thực hiện hành vi gây xâm hại đến người dân thực hiện quyền của mình. “Khi đó, đối tượng có hành vi đó sẽ bị xử lý nghiêm minh ngay lập tức, có thể bị áp dụng các biện pháp tố tụng, bị xử phạt tù, xử lý vi phạm hành chính, áp dụng các việc bồi thường nếu gây thiệt hại cho người tố cáo”, Thượng tá Bách nêu rõ.
Thông tin thêm về chế độ, chính sách của Nhà nước được quy định ở Nghị định 131, Thượng tá Lê Văn Bách cho biết, nếu đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành thì có thể áp dụng chế độ thương binh/ liệt sĩ hoặc các nguồn quỹ về phòng chống tội phạm ở Trung ương hoặc địa phương để hỗ trợ.