![]() |
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte. (Ảnh: Anadolu) |
Những năm gần đây, quan chức cấp cao từ các quốc gia thành viên NATO, bao gồm cả ông Rutte, đã cáo buộc Nga đang ấp ủ những kế hoạch gây hấn nhằm vào liên minh. Tổng thống Putin nhiều lần bác bỏ suy đoán này, gọi đây là những lời đồn đoán "vô lý" và là lời biện minh cho việc tăng chi tiêu quân sự.
Trả lời các câu hỏi của phóng viên tại một cuộc họp báo ở Brussels hôm 12/2, ông Rutte cho biết: "Nếu Nga tấn công NATO, phản ứng sẽ rất tàn khốc. Họ sẽ thua. Vì vậy, tốt nhất họ không nên thử". Tuy nhiên, theo ông Rutte, NATO cần chi nhiều hơn cho quốc phòng để có thể tự bảo vệ mình trong 4 hoặc 5 năm nữa.
Tổng thư ký kêu gọi các quốc gia thành viên NATO đưa ra "một số quyết định khó khăn trong năm nay về chi tiêu quốc phòng, làm nhiều hơn so với 2% mà họ đã cam kết". Mặc dù phương Tây có những nhà sản xuất vũ khí "tuyệt vời", nhưng "họ không sản xuất đủ", và điều này cần được giải quyết khẩn cấp.
Trước đó, theo báo cáo do Cơ quan Tình báo Quốc phòng Đan Mạch công bố hôm 11/2, trong vòng 5 năm sau khi chấm dứt hoặc đóng băng xung đột Nga - Ukraine, Mátxcơva có thể tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào châu Âu, nếu chi tiêu quốc phòng của NATO vẫn ở mức hiện tại.
"Nga có khả năng sử dụng vũ lực nếu họ nhận thấy NATO bị suy yếu về mặt quân sự hoặc chia rẽ về chính trị", cơ quan tình báo Đan Mạch tuyên bố và nhấn mạnh thêm rằng "điều này đặc biệt đúng nếu Nga đánh giá Mỹ không thể hoặc sẽ không hỗ trợ các nước NATO ở châu Âu trong một cuộc xung đột".
Tháng trước, ông Rutte cũng kêu gọi các quốc gia thành viên NATO "chuyển sang tư duy thời chiến" để "ngăn chặn chiến tranh".
Những quốc gia từ chối chi nhiều hơn cho quốc phòng có thể "học tiếng Nga hoặc đến New Zealand", tổng thư ký NATO cảnh báo.
Hồi tháng 12, ông Rutte đề xuất các quốc gia thành viên châu Âu nên chuyển hướng một số quỹ mà họ đang chi cho phúc lợi xã hội sang quân đội.
Ngày 12/2, Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) tuyên bố các cơ quan đặc nhiệm của Ukraine, với sự hỗ trợ của phương Tây, đang chuẩn bị một cuộc khiêu khích giả mạo ở Biển Baltic liên quan đến các loại thủy lôi hải quân do Nga sản xuất, với hy vọng kéo NATO vào một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Mátxcơva.