Tôi đi đòi tiền tác quyền cho gia đình nhà văn Vũ Trọng Phụng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhà văn Vũ Trọng Phụng là một tên tuổi lớn. Tuy mất khi còn quá trẻ nhưng ông đã để lại cho hậu thế một di sản văn học đồ sộ, đóng góp vào sự phát triển của văn học nước nhà. Do những biến động về lịch sử, trong một thời gian dài những tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng đã không được sử dụng. Mãi đến năm 1985, những tác phẩm này mới được sử dụng lại và được dư luận đánh giá rất cao.

Vào đầu những năm 2000, tại TPHCM đã có 2 đơn vị chuyển thể các tác phẩm của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng. Đó là năm 2003 sân khấu Phú Nhuận đã chuyển thể tác phẩm Số đỏ thành vở kịch cùng tên và trình diễn liên tục nhiều năm. Năm 2004 hãng Vietfilm đã sản xuất bộ phim Bẫy tình dựa vào 2 tác phẩm Làm đĩ và Lục xì cũng thu hút nhiều người xem. Là phóng viên theo dõi mảng văn hoá, tôi cũng đã có một số bài viết về vở kịch và bộ phim này.

Vào một ngày đầu tháng 5/2005, có một người đàn ông lớn tuổi đề nghị được gặp tôi tại toà soạn. Ông xưng tên là Nghiêm Xuân Sơn, là con rể nhà văn Vũ Trọng Phụng và cũng là người được gia đình ủy quyền thừa kế tác quyền các tác phẩm của nhà văn. Ông Sơn cho biết từ khi các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng được phép sử dụng trở lại, các đơn vị sản xuất như Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim truyền hình TPHCM, Hãng phim Giải phóng rồi nhiều nhà xuất bản khi sử dụng các tác phẩm đều trả tiền tác quyền rất đầy đủ.

Cuốn sách Số đỏ do tiến sỹ người Mỹ Peter Zinoman dịch ra tiếng Anh sau khi xuất bản cũng đều gửi nhuận bút đều đặn. “Tôi sống chủ yếu ngoài Hà Nội, hôm vừa rồi vào TPHCM với đứa cháu, tôi mới biết ở trong này cũng có 2 đơn vị sử dụng các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, nhưng không biết vì sao họ lại không trả tiền tác quyền? Tôi cũng đã liên lạc với họ nhưng họ cho biết các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đã trở thành tài sản công cộng nên họ không phải trả tiền tác quyền”.

Tôi đi đòi tiền tác quyền cho gia đình nhà văn Vũ Trọng Phụng ảnh 1

NSND Hồng Vân, NS Xuân Bắc và NS Quang Thắng trong một lần diễn vở Số đỏ

Ông Sơn cũng chia sẻ, ông biết báo Tiền Phong đã từ lâu, đọc trên báo Tiền Phong ông cũng thấy có các bài viết về các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng được một số đơn vị nghệ thuật tại TPHCM dựng thành kịch, thành phim nên ông muốn nhờ PV báo Tiền Phong can thiệp để có thể lấy được tiền tác quyền. Ông Sơn đưa ra một số giấy tờ chứng minh nhân thân, trong đó có 01 tờ giấy do Bộ Văn hoá cấp năm 1989. Cầm tờ giấy này, tôi bắt đầu hiểu lờ mờ những uẩn khúc trong vụ việc trả tiền tác quyền cho Vũ Trọng Phụng tại một số đơn vị nghệ thuật ở phía Nam.

Theo điều 5 Nghị định số 142-HĐBT ra ngày 14/ 11/1986 của Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam (nay là Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam) quy định quyền tác giả đã ghi rõ thời hạn hưởng quyền tác giả như sau:"Người sáng tác ra tác phẩm công trình hưởng quyền tác giả trong cả cuộc đời mình và cho đến hết 30 năm sau khi chết. Đối với đồng tác giả thì mốc để tính 30 năm kể từ khi tác giả cuối cùng chết". Như thế, với trường hợp nhà văn Vũ Trọng Phụng mất năm 1939 thì quyền tác giả của nhà văn được gia đình thừa kế sẽ kéo dài cho tới năm 1969 và sau đó tác quyền của nhà văn sẽ trở thành tài sản công cộng.

Tuy nhiên vào năm 1989, bà Vũ Mỵ Hằng - con gái duy nhất của nhà văn Vũ Trọng Phụng (vợ của ông Nghiêm Xuân Sơn) đã có đơn gửi Bộ Văn hóa, Cục Bảo hộ quyền tác giả Việt Nam xin được hưởng quyền gia hạn thêm 30 năm nhằm có điều kiện chăm lo hương khói, mộ phần cho nhà văn. Lý do bà Hằng nêu ra là một thời gian dài, do những biến động của lịch sử nên các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đã bị cấm sử dụng.

Nếu căn cứ Nghị định số 142-HĐBT thì sẽ gây thiệt thòi rất nhiều cho những người thừa kế di sản của nhà văn. Sau khi xem xét đơn của bà Hằng, Cục Bảo hộ quyền tác giả đã thống nhất với Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Văn Hóa chấp thuận ý kiến này và đã tiến hành đăng ký Bảo hộ quyền tác giả cho 28 tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng từ ngày 9/11/1989 với thời hạn là 30 năm.

Tôi đi đòi tiền tác quyền cho gia đình nhà văn Vũ Trọng Phụng ảnh 2

Một số tư liệu tại Nhà Lưu niệm Vũ Trọng Phụng

Sau khi xem xét các giấy tờ, tôi hứa với ông Sơn sẽ giúp ông kết nối với đại diện các đơn vị nghệ thuật đã sử dụng các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng tại phía Nam để làm rõ vấn đề. Tại hãng Vietfilm, NSƯT Lê Cung Bắc - đạo diễn bộ phim Bẫy tình đã hoàn toàn bất ngờ, ông không biết gì về việc tác phẩm của Vũ Trọng Phụng được gia hạn tác quyền 30 năm. Đạo diễn Lê Cung Bắc nói: “Tôi không biết công văn gia hạn tác quyền của Bộ Văn hoá.

Khi làm phim, tôi chỉ căn cứ theo Nghị định cũ, nghĩa là sau 30 năm tác giả mất đi, tác quyền sẽ thuộc về công chúng”. Cũng tương tự như thế, nhà biên kịch Lê Chí Trung, tác giả kịch bản Số đỏ trình diễn trên sân khấu Phú Nhuận cũng cho rằng theo thông lệ chung từ trước tới nay, các tác giả đã mất trên 30 năm thì tác quyền các tác giả đó sẽ trở thành tài sản chung. “Khi chúng tôi dựng vở Số đỏ, có người nhận là người nhà của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng và xin vé để đi xem vở diễn. Chị Hồng Vân cũng đã giải quyết cho họ”- Lê Chí Trung nói.

Nhưng khi xem xét kỹ công văn gia hạn quyền tác giả Vũ Trọng Phụng của Bộ Văn hoá, cả 2 vẫn đều nhận lỗi của mình và hứa sẽ sớm giải quyết. NSƯT Lê Cung Bắc cho rằng: “Quả thật chúng tôi là người có lỗi khi dàn dựng bộ phim Bẫy tình mà chưa giải quyết thấu đáo việc bản quyền. Sau khi bàn bạc, chúng tôi đã thống nhất sẽ trả tiền bản quyền của bộ phim và xin lỗi gia đình”.

Ngày 12/5/2005, trước sự chứng kiến của PV báo Tiền Phong, Lê Cung Bắc đã xin lỗi và trao tiền tác quyền của bộ phim Bẫy tình cho ông Nghiêm Xuân Sơn. Còn nhà biên kịch Lê Chí Trung thẳng thắn: “Vì tôi là người biên kịch nên tôi chịu trách nhiệm về vấn đề tác quyền của Số đỏ. Với các tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng thì tôi nghĩ trả bao nhiêu tiền cũng không xứng đáng với tài năng của ông nên tôi sẽ trao toàn bộ số tiền biên kịch vở Số đỏ cho gia đình nhà văn. Và sau này, các vở kịch khác dựa theo các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng được dựng trên sân khấu Phú Nhuận, tôi cũng tiếp tục làm như thế”.

Tôi đi đòi tiền tác quyền cho gia đình nhà văn Vũ Trọng Phụng ảnh 3

Ông Nghiêm Xuân Sơn trước mộ phần Nhà văn Vũ Trọng Phụng

Nhận số tiền tác quyền, ông Sơn tỏ ra khá cảm động. Ông cho rằng số tiền ông nhận không phải cho bản thân ông hay gia đình, mà để triển khai việc dựng tượng cho nhà văn Vũ Trọng Phụng tại nhà lưu niệm ở Hà Nội. Ông Sơn cũng ngỏ lời sau khi hoàn thành, sẽ mời cả Lê Cung Bắc và Lê Chí Trung ra thăm. Cả 2 nghệ sĩ đều rất vui trước lời mời này và chúc cho việc làm đầy ý nghĩa của ông Sơn sớm thành công.

Nhà biên kịch Lê Chí Trung thẳng thắn: “Vì tôi là người biên kịch nên tôi chịu trách nhiệm về vấn đề tác quyền của Số đỏ. Với các tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng thì tôi nghĩ trả bao nhiêu tiền cũng không xứng đáng với tài năng của ông nên tôi sẽ trao toàn bộ số tiền biên kịch vở Số đỏ cho gia đình nhà văn. Và sau này, các vở kịch khác dựa theo các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng được dựng trên sân khấu Phú Nhuận, tôi cũng tiếp tục làm như thế”.

MỚI - NÓNG