Toà án Pháp hôm nay ra quyết định về 'vụ kiện lịch sử' của người phụ nữ gốc Việt

0:00 / 0:00
0:00
Bà Trần Tố Nga. (Ảnh: AP)
Bà Trần Tố Nga. (Ảnh: AP)
TPO - Ngày 10/5, toà án Evry, Pháp, dự kiến đưa ra quyết định trong vụ người phụ nữ gốc Việt Trần Tố Nga kiện các công ty hoá chất Mỹ cung cấp chất độc da cam/dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Bà Trần Tố Nga, 79 tuổi, một người Pháp gốc Việt, cáo buộc công ty Monsanto của Mỹ (từ năm 2018 thuộc sở hữu của tập đoàn Đức Bayer), công ty Dow Chemical của Mỹ cùng nhiều công ty khác đã cung cấp chất phát quang cực độc cho quân đội Mỹ sử dụng trên diện rộng ở Việt Nam từ năm 1961-1971, gây những hậu quả nghiêm trọng cho 4 triệu người và thiệt hại lớn về môi trường.

Bà Nga nguyên là nhà báo, nhà hoạt động và bản thân bà cũng đã bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin khi các máy bay Mỹ rải chất độc này xuống các cánh rừng Việt Nam.

Khi bị phơi nhiễm năm 1966, bà Nga không hề hay biết về tác hại chết người của chất độc mà bà bị phơi nhiễm cũng như việc độc tố sẽ truyền sang các thế hệ sau bởi chúng không có triệu chứng ngay lập tức. Bà Nga sinh con đầu lòng vào năm 1969, nhưng bé gái chỉ sống được 17 tháng và qua đời do các bệnh về hô hấp và bong da.

Hai người con gái khác của bà vẫn còn sống, nhưng tình trạng sức khỏe rất tồi tệ, trong khi một cháu gái của bà bị bệnh tim. Bản thân bà Nga bị nhiều bệnh như ung thư vú, tiểu đường, huyết áp cao, thiếu máu tán huyết…

Thông qua vụ kiện này, nguyên đơn cùng các tổ chức ủng hộ mong muốn cộng đồng quốc tế công nhận tội danh "hủy diệt sinh thái" trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Từ năm 1961 đến năm 1971, Mỹ đã sử dụng khoảng 46 triệu lít chất độc da cam/dioxin do các công ty hóa chất Mỹ sản xuất, trong đó có công ty Monsanto hiện thuộc sở hữu của tập đoàn hóa chất Đức Bayer.

Chất độc da cam/dioxin đã tấn công trực diện vào bộ gien, khiến hàng trăm nghìn người chết và hàng triệu người bị bệnh tật. Cho đến ngày nay, ngay cả thế hệ thứ tư sinh ra sau khi chiến tranh kết thúc, mỗi năm vẫn có khoảng 6.000 trẻ ở Việt Nam sinh ra bị dị tật và mắc các bệnh hiểm nghèo.

Năm 1984, các cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin đã được bồi thường gần 180 triệu USD, nhưng nạn nhân Việt Nam chưa bao giờ được bồi thường.

Các công ty hóa chất đổ trách nhiệm cho chính phủ Mỹ trước đây, đồng thời bác bỏ quyền tài phán của tòa đối với vụ kiện, tuy nhiên luật pháp của nước Pháp cho phép thực hiện điều đó.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Trương - Trưởng ban Đối ngoại Hội Nạn nhân chất độc da cam dioxin Việt Nam (VAVA), giải thích rằng quyết định của toà án Evry đưa ra hôm nay chưa phải phán quyết. Toà sẽ đưa ra quyết định đối với những đề nghị của hai bên đưa ra tại phiên xét xử ngày 25/1 vừa rồi.

Tại phiên toà đó, các luật sư của bà Nga đề nghị toà cho bà đi kiểm tra sức khoẻ để làm căn cứ xét xử và yêu cầu các công ty hoá chất Mỹ bồi thường cho bà. Còn luật sư của các công ty hoá chất Mỹ nói rằng bệnh của bà Nga không liên quan đến chất độc da cam, với luận điểm mà các công ty hoá chất Mỹ từng trả lời trong những vụ kiện trước đây bên Mỹ của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cũng như của Mỹ. Luật sư của các công ty hoá chất Mỹ đề nghị kết thúc phiên toà. Phiên toà ngày 25/1 chưa trả lời chính thức đề nghị đó.

Hôm nay, toà Evry sẽ đưa ra quyết định. Nếu đồng ý với đề nghị cho bà Nga đi khám sức khoẻ để về xét xử sau, thì đây chưa phải phán quyết của toà. Nhưng nếu nghe theo đề nghị của các công ty hoá chất để kết thúc vụ kiện, thì quyết định đó sẽ là phán quyết. Nếu thế, nhóm của bà Nga sẽ phải có bước đi tiếp theo, như kiện lên toà phúc thẩm, ông Trương giải thích.

Ông Trương nói rằng bà Trần Tố Nga kiện 26 công ty hoá chất với tư cách công dân Pháp, nhưng cũng là nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam hồi còn công tác ở miền nam Việt Nam. Hơn nữa, bà ấy cũng là đồng bào của mình.

Vì vậy, các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam ủng hộ bà Nga và rất mong muốn toà xét xử công minh, để vạch rõ những tội của các công ty hoá chất Mỹ đã cung cấp chất độc hoá học cho quân đội Mỹ sử dụng, gây ra hậu quả về sức khoẻ và tính mạng cho bà Nga và con cái của bà.

Hơn nữa, VAVA không chỉ đứng ra bênh vực các nạn nhân của mình, mà còn ủng hộ tất cả các nạn nhân của chất độc da cam cũng như nạn nhân của chiến tranh và vũ khí hủy diệt hàng loạt khác.

“Trong lúc đang chờ quyết định của toà, chúng tôi luôn mong toà án đưa ra quyết định đúng đắn, khách quan, công minh, công bằng để bà Nga được bồi thường”, ông Trương nói.

MỚI - NÓNG