Phát biểu tại một sự kiện tưởng niệm của Hải quân Mỹ, ông Braithwaite đã đề xuất trang bị cho các tàu sân bay các phương tiện bay không người lái và gửi chúng đến “nơi có mối đe dọa”, đặc biệt là sử dụng chúng chống lại các tàu ngầm của Nga, theo Popular Mechanics.
Hải quân Mỹ hiện sở hữu một hạm đội gồm 11 hàng không mẫu hạm: 10 chiếc lớp Nimitz và một chiếc thuộc lớp Gerald R. Ford mới. USS Ford có chi phí sản xuất khổng lồ lên tới 13 tỷ USD. Trên tàu có khoảng 5.000 thủy thủ kèm phi hành đoàn, điều khiển con tàu và vận hành số máy bay trên hạm.
Mặc dù kích thước của tàu Ford khiến nó có khả năng cho xuất kích một số lượng lớn các chuyến bay mỗi ngày, nhưng những con tàu khổng lồ ngày càng chiếm dụng tỷ lệ lớn trong ngân sách đóng tàu của Hải quân Mỹ, gây bất lợi cho các loại tàu chiến khác.
Những người ủng hộ hải quân, bao gồm cố Thượng nghị sĩ John McCain, đã lên tiếng ủng hộ một lớp tàu sân bay nhỏ hơn để bổ trợ cho các siêu tàu sân bay lớn hơn. Một con tàu nhỏ hơn sẽ có ít máy bay hơn và tạo ra số lần xuất kích ít hơn, nhưng có thể sẵn sàng chiến đấu với số lượng lớn.
Trong thời bình, một tàu nhỏ hơn có thể hoạt động trong các khu vực xung đột mà không cần tàu sân bay lớn hơn, chẳng hạn như vụ can thiệp vào Libya năm 2011 hoặc hiện diện ở những nơi như Biển Đông. Một tàu sân bay nhỏ hơn cũng có thể hợp tác với các tàu sân bay lớn hơn trong trường hợp xảy ra khủng hoảng lớn, tạo ra một lực lượng tấn công hải quân đáng gờm.
Braithwaite có khả năng là Bộ trưởng Hải quân Mỹ đầu tiên công khai ủng hộ các tàu sân bay hạng nhẹ và ủng hộ việc triển khai các phương tiện bay không người lái trên sàn đáp của chúng. Điều này dường như phản ánh những gì đang diễn ra với tàu chiến lớp Type 076 đang được phát triển của Hải quân Trung Quốc. Giống như tàu tấn công đổ bộ Type- 075, có bằng chứng cho thấy Hải quân Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc có kế hoạch trang bị máy phóng và thiết bị móc hãm trên Type-076 để vận hành các phương tiện bay không người lái.
Hải quân Mỹ đã vận hành các tàu sân bay hạng nhẹ trước đây. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, họ đã chế tạo các tàu sân bay hạng nhẹ lớp Independence hoạt động cho đến cuối những năm 1940, cũng như một số loại tàu sân bay hộ tống nhỏ hơn được thiết kế để che chắn phòng không cho các đoàn tàu được bảo vệ nhẹ. Chiến tranh Lạnh chứng kiến các tàu sân bay thời Thế chiến II như USS Oriskany, USS Coral Sea và USS Midway hoạt động cùng với các siêu tàu sân bay lớn hơn. Mặc dù là “siêu” vào thời của chúng, những con tàu này trở nên nhỏ bé so với các tàu lớp Nimitz hiện đại. Sau Chiến tranh Lạnh, Hải quân Mỹ đã tiêu chuẩn hóa các tàu có kích thước siêu tàu sân bay.
Cuối cùng vẫn chưa rõ khái niệm tàu sân bay nhẹ sẽ nhận được bao nhiêu ủng hộ. Những người ủng hộ siêu tàu sân bay không thích ý tưởng này, vì nó lấy đi nguồn lực dành cho các tàu lớn hơn. Và tùy thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử năm 2020, ông Braithwaite có thể không còn là Bộ trưởng Hải quân trong ba tháng tới.
Tuy nhiên, nếu Braithwaite vẫn giữ chức vào tháng 2 năm 2021 - hoặc nếu người thay thế ông trong chính quyền Joe Biden cũng ủng hộ khái niệm này - các tàu sân bay hạng nhẹ cho Hải quân Mỹ thực sự có thể trở thành hiện thực.