Ảnh: T.P. |
Một cô gái khoảng 20 - 25 tuổi cẩn thận dựng xe trên vỉa hè, tháo ba lô đằng sau lưng, kéo khóa, rút ví lấy vài đồng bạc lẻ và chiếc túi nilon có chứa một ít đồ ăn. Cô gái nhẹ nhàng đến bên, tháo khẩu trang, đưa tiền và thức ăn cho ông lão bằng hai tay, dặn nhỏ: “ Ông ơi, ông ngồi lên vỉa hè đi, đường đông thế này nguy hiểm lắm”.
Xong việc, cô gái quay lại xe, cẩn thận sắp xếp mọi thứ, đẩy xe xuống đường, dắt đến chỗ ông cụ, dừng lại nhắc thêm lần nữa: “Ông ngồi lên vỉa hè đi”. Sau đó, cô gái lên xe, từ từ hòa vào dòng người vội vã.
Ngay sau khi cô gái đi khỏi, một nam thanh niên đi xe đạp qua, thấy ông lão ngồi ở đường liền phanh xe lại, móc từ trong túi ra vài nghìn tiền lẻ, đưa cho ông lão. Đúng lúc đó, một lái xe taxi đi qua, cũng tiện thể, góp vài nghìn đồng, nhờ nam thanh niên này đưa cho ông lão… Dù chỉ vài nghìn ít ỏi của một số bạn trẻ, nhưng có lẽ, nó sẽ giúp cho ông lão có bữa ăn trong buổi tối hôm đó.
Sự việc làm tôi nhớ đến một câu chuyện khác xảy ra khoảng trung tuần tháng 8 - 2012. Vào giờ cao điểm buổi chiều, đường Phùng Khoang (Hà Nội) rất đông đúc. Một công nhân khoảng hơn 50 tuổi đẩy chiếc xe rác cao ngất ngưởng trên đường. Vừa đến ngã ba giao với đường Nguyễn Trãi, chiếc xe bất ngờ bị nghiêng và đổ.
Rác thải đổ ụp xuống đường, chèn luôn vào bánh xe rác. Dù cố hết sức nhưng một mình bác công nhân không thể lôi xe ra được. Đường đông, giờ lại thêm xe rác chắn đường, nhiều phương tiện bị kẹt. Nhiều người bị mũi, lắc đầu vì mùi rác thải xộc vào mũi….
Một cô gái trẻ đang đi xe, thấy cảnh tượng này, liền tấp xe vào lề đường, khóa cẩn thận, rồi chạy lại, phụ một tay kéo xe với bác công nhân. Một, hai, ba bạn trẻ nữa cũng xúm vào. Chiếc xe rác được khéo ra, giao thông đi lại thuận tiện hơn. Xong việc, rất nhanh, cô gái lên xe, tiếp tục hành trình.