Đầu xuân, qua những dốc cao hun hút, giữa bồng bềnh sương sớm chúng tôi tìm đến những ngôi làng xinh xắn, những thửa ruộng bậc thang xanh ngát hiện ra như bức tranh thủy mạc trên đỉnh núi.
Đồn biên phòng Gary rợp màu xanh, tọa lạc trên ngọn đồi cao. Phóng tầm mắt ra xa là ngọn núi Tà Xiền được ví “cột mốc” biên giới sừng sững. Thiếu tá Phan Văn Thí, Đồn trưởng đồn biên phòng Gary cười nói: Mùa xuân lên khu Bảy là đẹp nhất.
Bản làng yên ấm
Thiếu tá Thí nhiều năm gắn bó với các đồn biên phòng dọc tuyến biên giới Việt Lào, kể rằng: Ngày trước, mỗi lần lên Gary, Ch`ơm gian nan vất vả bội phần. Để lên đến nơi, phải đi bộ cả tuần. Gặp mưa bão, anh em chiến sĩ mắc kẹt phải dựng lán trại ngủ giữa rừng, sống nhờ vào cưu mang của dân làng.
Nay, miền khu Bảy Tây Giang đã khác nhiều. Đường quốc phòng được mở, những công trình thủy điện nhỏ thắp sáng miền biên cương, sóng điện thoại giúp Gary gần hơn với bên ngoài. Không còn cảnh cán bộ chiến sĩ nhớ nhà phải leo núi cao bắt “sóng lạc” để tâm tình với người thân.
Vựa lúa lưng chừng trời
Những năm qua, nhờ sự chung sức đồng lòng, các chiến sỹ cùng hơn 3.500 hộ dân nơi đây tạo nên chiến công giữa thời bình: Biến nơi hẻo lánh, nơi cao hơn 1.300m so với mực nước biển thành vựa lúa giữa lưng chừng trời. Tiếng máy nổ vang giữa núi rừng.
Dòng người gùi lúa đến cổng đồn sắp hàng chờ xay xát. Với đồng bào Cơ Tu, chiếc máy xát của chiến sĩ biên phòng Gary nay đã quá thân quen và hữu ích. Cỗ máy xát đầu tiên được đưa lên hơn 2 năm nay, dân làng Cơ Tu không còn giã gạo bằng tay nữa.
“Gary giờ là vựa lúa lớn giữa bát ngát núi rừng. Cứ ngó bà con gùi gạo đi xát là biết lúa gạo làm ra nhiều đến chừng nào. Năm rồi, đồn biên phòng mua lại của dân hơn 70 tấn lúa để kho dự phòng đó”, Thiếu tá Thí khoe.
Máy xát của đồn biên phòng Gary, điều kỳ lạ giữa lưng chừng trời
“Đời nhà binh gian khổ rồi vợ con cũng khổ theo. Ai làm lính không phải chịu cảnh xa vợ xa con, thiếu thốn tình cảm. Nhiều khi nghĩ cũng buồn. Nhưng rồi lại nghĩ, mình khổ đâu bằng vợ mình, âm thầm chấp nhận thiệt thòi, âm thầm hy sinh để chồng an tâm làm nhiệm vụ”.
Thiếu tá Võ Văn Tri, Phó Đồn trưởng biên phòng Axan
Hơn 10 năm trước, đồn Gary về đứng chân ở địa bàn cũng là lúc cuộc cách mạng lúa nước ở miền biên giới được triển khai. Với đồng bào Cơ Tu quen với cuộc sống nương rẫy chuyển qua canh tác lúa nước thực sự là cả một chuyển biến lớn. Trong đó, công sức của những người lính biên phòng không hề nhỏ.
Những vựa lúa lớn như Glao, Arooi, Da Zing được biết đến với những cánh đồng bậc thang bát ngát. Nơi đó in hằn dấu chân của những chiến sĩ biên phòng Gary.
Hai năm trước, máy xát của đồn biên phòng đưa lên là điều mới mẻ với dân làng. Ngày đầu, nhiều người lạ lắm, vì lần đầu tiên thấy “máy ăn lúa” và nhả ra gạo trắng ngần.
Thiếu tá Ngô Đình Sơn, người phụ trách vận hành máy xát, kể: “Máy xát mở cửa cả ngày để phục vụ miễn phí bà con. Mình chỉ xin lại ít cám để anh em đơn vị tăng gia nuôi lợn mà thôi”.
Chị Bling Thị Như, người dân thôn Da Zing cứ đều đặn tuần 2 bữa gùi lúa lên xay cười nói: “Từ khi có máy nhả gạo, chị em đỡ mỏi tay vì không phải giã. Sướng lắm!”.
Phòng đọc biên cương
Kỷ niệm 10 năm thành lập đồn biên phòng Gary (19/5/2013) một Phòng đọc biên giới lần đầu tiên đưa vào sử dụng ở miền biên cương này. Phòng đọc là công sức đóng góp của anh em chiến sĩ đồn và những tấm lòng hảo tâm.
Phòng đọc khang trang sạch đẹp với hàng trăm đầu sách, báo trở thành điểm đến của người dân, học sinh. Hằng ngày, từ sáng sớm phòng đọc bắt đầu mở cửa đến tối mịt vẫn còn người dân chưa chịu về.
Trung úy Zơ râm Xiết, Đội trưởng đội vận động quần chúng đồn Gary, cho biết: Phòng đọc biên giới thực sự là điểm đến thu hút người dân vùng cao trong điều kiện còn cách trở khó khăn này.
Còn thầy giáo Châu Ngọc Quốc, giáo viên trường tiểu học xã Gary, người nhiều năm gắn bó với học sinh Gary, tâm sự: Học sinh ở đây đặc biệt khó khăn. Phòng đọc biên giới thực sự mở ra thế giới mới cho các em.
Hàng ngày, sau giờ lên lớp, thầy Quốc cùng các giáo viên lại dẫn các em nhỏ lên đây để đọc sách. Nhìn những đứa trẻ lem luốc đang say sưa bên những tập sách, truyện tranh cũ, mới thấy hết khao khát, ước mơ trẻ thơ nơi miền biên cương này.
Và những nàng dâu biên phòng
Dưới chân đồn biên phòng Axan (Tây Giang) có những căn nhà nhỏ ấm áp hằng ngày vang tiếng trẻ thơ. Nguyễn Thị Trang (30 tuổi) là nàng dâu của đồn biên phòng nổi tiếng đảm đang, giỏi việc nước đảm việc nhà. Chồng chị là Trung úy Nguyễn Văn Bích, nhân viên quân khí của đồn.
Sinh ra và lớn lên ở Hòa Phong (Hòa Vang, Đà Nẵng), năm 2006 tốt nghiệp ĐH Sư phạm Đà Nẵng, Trang lên đây giảng dạy và bén duyên cùng anh lính biên phòng mê súng ống.
Lấy Bích, Trang theo chân chồng lên đây định cư trong thiếu thốn và khó khăn. Nay, sau hơn 7 năm xây đắp hạnh phúc nơi biên cương, hai vợ chồng đã có hai mặt con kháu khỉnh.
Trang là giáo viên mầm non của trường Axan. Anh Bích thường đi công tác, tuần tra nên hàng ngày một mình chị đảm đang nuôi con, lo việc nhà, việc trường. Đôi vợ chồng trẻ được cả xã biết đến là điển hình làm kinh tế giỏi. Vừa dạy học vừa làm trang trại. Đàn lợn gần 30 con chỉ một bàn tay chị chăm sau giờ lên lớp.
Đồn biên phòng Axan có 5 nàng dâu như Trang. Tất thảy đều theo chồng lên đây định cư để chồng yên tâm công tác. Nàng dâu Nguyễn Thị Vững, quê ở tận Hưng Yên bén duyên cùng anh lính vận tải Nguyễn Văn Chiến qua những cánh thư hơn 6 năm về trước. Cuối 2008 hai người nên vợ chồng.
Ngày anh Chiến nhận nhiệm vụ lên Axan công tác, chị Vững quyết định khăn gói theo chồng lên biên ải khởi nghiệp. Chồng lái xe biên phòng, vợ ở nhà buôn bán chăm con. Đến nay hai vợ chồng đã làm được nhà khá khang trang nơi miền biên ải.
Thôn Arooi sau hơn 10 năm đã có hơn 50ha lúa nước, chiếm gần một nửa diện tích ruộng lúa nước của toàn xã. Trên những cánh đồng lúa hôm nay luôn có hình bóng chiến sĩ biên phòng sát cánh cùng dân bản.
Già làng A lăng Bơn, một trong những người được mệnh danh là “vua trồng lúa” ở thôn Arooi, phấn khởi: “Dân làng nay khác xưa nhiều.
Từ ngày được bộ đội giúp dân làng khai hoang ruộng nước, hướng dẫn làm lúa, cuộc sống người dân được đầy đủ hơn. Máy xát của đồn cho hạt gạo trắng dân làng ai cũng thích”.