Tin mừng cho tỏi Lý Sơn: Tỏi voi Nhật Bản chỉ được trồng ở đất liền

Người dân Lý Sơn tận dụng mọi diện tích đất, nguồn nước có trên đảo để trồng và chăm sóc tỏi Lý Sơn. Ảnh Nguyễn Thành
Người dân Lý Sơn tận dụng mọi diện tích đất, nguồn nước có trên đảo để trồng và chăm sóc tỏi Lý Sơn. Ảnh Nguyễn Thành
TPO - Tỏi voi Nhật Bản sẽ chỉ được phép trồng ở 2 huyện Bình Sơn và Mộ Đức (Quảng Ngãi), không được trồng ở đảo Lý Sơn. 

Chiều ngày 24/12, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Tăng Bính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Sẽ không cho phép trồng tỏi voi Nhật Bản ở đảo Lý Sơn như chủ trương ban đầu của UBND tỉnh đưa ra.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có buổi làm việc với đại diện Công ty Nikken Sekkei Civil Engeneering Ltd (NSC) và Tập đoàn CAN Holdings (Nhật Bản). Qua đó, tỉnh Quảng Ngãi thống nhất cho hai doanh nghiệp này khảo sát và trồng tỏi voi khảo nghiệm ở hai huyện Bình Sơn và Mộ Đức. Tại buổi làm việc, doanh nghiệp Nhật Bản giới thiệu: Tỏi voi có năng suất, chất lượng, giá trị cao và tốt cho sức khỏe. Tỏi voi có năng suất từ 4,5 - 5 tấn/ha, với giá bán trên thị trường khoảng 180.000 đồng/kg tươi.

Tin mừng cho tỏi Lý Sơn: Tỏi voi Nhật Bản chỉ được trồng ở đất liền ảnh 1

Củ tỏi voi Nhật Bản to hơn nhiều so với tỏi Lý Sơn (bên phải). Ảnh : L.N

“Lý Sơn là đảo du lịch nên vẫn giữ việc canh tác lâu nay của người dân với giống tỏi địa phương. Tỉnh chỉ cho doanh nghiệp Nhật khảo sát trồng tỏi ở huyện Bình Sơn và Mộ Đức, không đụng chạm gì đến Lý Sơn”, ông Bính cho biết.  

Theo ông Bính, tỏi là cây rau, nên  được phép trồng, nhưng theo quy định của Bộ NN&PTNT, tỏi voi Nhật Bản trước khi đưa vào phải được kiểm dịch kỹ càng. Phía Công ty và Tập đoàn Nhật Bản đề nghị tỉnh cho phép nghiên cứu trồng thử nghiệm tỏi voi theo phương pháp sử dụng phân hữu cơ 100% ở trong đất liền.

Đồng thời xin thủ tục nhập tỏi giống từ Nhật Bản vào Việt Nam. Cùng với trồng tỏi voi, phía đối tác Nhật Bản cũng sẽ nghiên cứu sản xuất phân hữu cơ thông qua xử lý nguồn rác thải để bón cho giống tỏi này. Nếu được tỉnh Quảng Ngãi cho chủ trương, năm 2018 sẽ lựa chọn đơn vị hợp tác và địa điểm canh tác để tiến hành trồng thử nghiệm vào năm 2019, triển khai thực hiện đồng bộ trong năm 2020.

Tin mừng cho tỏi Lý Sơn: Tỏi voi Nhật Bản chỉ được trồng ở đất liền ảnh 2

Diện tích hạn chế nên việc đưa giống tỏi voi Nhật Bản vào Lý Sơn là điều các nhà khoa học khuyến cáo không nên. Ảnh N.T

Trước đó, như Tiền Phong liên tục thông tin, UBND tỉnh Quảng Ngãi có chủ trương cho phép nghiên cứu khảo sát để đưa giống tỏi voi của Nhật Bản ra trồng trên đảo Lý Sơn. Thông tin này lập tức nhận được sự phản đối của nhiều nhà khoa học, vì lo sợ sẽ ảnh hưởng đến giống tỏi Lý Sơn vốn nổi tiếng lâu nay.

Tiến sỹ, nhà nông học Lê Tiến Dũng (nguyên Trưởng Khoa Nông học – ĐH Nông lâm Huế) cho biết: Nhập đâu thì nhập nhưng nhập vào Lý Sơn thì không nên. Nếu nhập giống tỏi voi Nhật Bản vào sẽ làm mất tỏi Lý Sơn. Hậu quả là con cháu chịu hết, sẽ không còn những sản vật quý nữa.  Bởi tỏi Lý Sơn đã có dư địa chí, nếu nhập nội vào sẽ đánh bật giống địa phương, đặc sản.

Giống tỏi Nhật Bản năng suất cao hơn, nếu đưa vào giống tỏi Lý Sơn sẽ mất đi vị trí vì không thể cạnh tranh nổi, dần dần sẽ bị diệt vong  như các cây trồng khác hiện nay. “Xây dựng một thương hiệu rất khó nhưng để đánh mất một thương hiệu lại rất dễ. Trong thực tế chúng ta đã có những bài học đắt giá về giống. Đơn cử như lúa de An Cựu giờ muốn ăn cũng chịu” ông Dũng khuyến cáo. 

MỚI - NÓNG