Tỏi Lý Sơn rớt giá nhưng đã đến mức cần “giải cứu”?

Băng rôn kêu gọi mua hành, tỏi Lý Sơn tại một điểm bán ở Hà Nội.
Băng rôn kêu gọi mua hành, tỏi Lý Sơn tại một điểm bán ở Hà Nội.
TPO - Hình ảnh băng rôn ở Hà Nội kêu gọi ủng hộ mua hành tỏi Lý Sơn đang gây tranh cãi. Ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đúng là có chuyện tỏi đang rớt giá khiến nông dân lao đao, nhưng chưa đến mức cần “giải cứu” như dưa hấu trước đây.

Rớt giá do găm hàng

Những ngày này, nông dân Lý Sơn đang thấp thỏm bởi hàng trăm tấn tỏi khô của niên vụ trước liên tục rớt giá, khó tiêu thụ.

Bà Nguyễn Thị Hoa, một nông dân trồng tỏi, ở thôn Đông xã An Vĩnh, cho biết chưa bao giờ tỏi lại rớt giá như năm nay, đến cuối vụ mà giá tỏi chỉ bằng nửa giá trị so với đầu vụ thu hoạch. 

“Những năm trước tỏi cuối vụ luôn có giá cao gần cả trăm ngàn/kg, nhưng năm nay không hiểu sao giá tỏi lại rớt thê thảm chỉ bằng phân nửa mọi năm nên nông dân chúng tôi gặp nhiều khó khăn, nếu không bán thì tỏi mọc mầm hư hỏng, còn bán đổ bán tháo thì lỗ vốn”, bà Hoa cho biết.

Theo bà Hoa, đầu vụ thu hoạch tỏi có giá 45-50 ngàn đồng/kg, nếu để đến tháng 9 âm lịch trở đi giá tỏi sẽ cao gấp đôi. Nhưng năm nay tỏi loại 1 được tiêu thụ tại chợ huyện, tư thương chỉ mua với giá dưới 40 ngàn đồng/kg. 

Tỏi Lý Sơn rớt giá nhưng đã đến mức cần “giải cứu”? ảnh 1

Thương lái vẫn đang đưa tỏi Lý Sơn về đất liền

Gia đình bà Dương Thị Liên (thôn Tây, An Hải) thu hoạch được 500 kg tỏi khô trong vụ vừa qua, nếu như mọi năm đến tháng 9 âm lịch số tỏi trên mang ra tiêu thụ thì cũng kiếm được 40-45 triệu đồng, nhưng giá tỏi rớt như hiện nay, số tỏi trên bà chỉ thu về trên 20 triệu đồng, không đủ chi phí cho sản xuất. Không chỉ nông dân “găm hàng”, các thương lái cũng đang khốn đốn vì tự hại mình. 

Ông Dương Quận, một tư thương cho biết, không chỉ nông dân chịu lỗ mà gia đình ông cũng khóc ròng vì trữ tỏi. “Đầu vụ tôi mua trữ gần 15 tấn tỏi khô với giá 55 ngàn đồng /kg để cuối vụ xuất bán, nhưng nay giá tỏi trên thị trường liên tục hạ chỉ còn 40 ngàn đồng/kg nên cơ sở tôi cũng lỗ vốn trên 100 triệu đồng, đó là chưa kể chi phí thuê nhân công chọn tỏi”, ông Quân cho biết

Được biết, trên 400 tấn tỏi khô niên vụ 2014 - 2015 còn tồn đọng đang ở tình thế khó tiêu thụ, cộng với tư thương ép giá đã khiến sản phẩm tỏi của nông dân Lý Sơn liên tục rớt giá, hàng ngàn hộ nông dân trồng tỏi rơi vào cảnh lao đao. Tuy nhiên, theo nhiều hộ dân, câu chuyện trên không mới, bởi hằng năm, cứ đến thời điểm này, người dân lại có tâm lý trữ hàng, găm hàng chờ đến dịp cận Tết Nguyên đán bắt đầu tung ra.

Cần bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn

Theo anh Phan Văn Định –  – Phó Chủ tịch Hội kinh doanh và chế biến hành tỏi Lý Sơn - người đầu tiên ở Lý Sơn đưa thương hiệu tỏi Lý Sơn ra các siêu thị ở các thành phố lớn và cũng lần đầu tiên có những đơn hàng hành tỏi Lý Sơn xuất qua Thái Lan, Dubai, Singapore…, việc treo băng rôn bán hành tỏi của nông dân Phạm Văn Thắm chỉ mang mục đích kinh doanh của cá nhân. 

“Anh Thắm bán được hàng, anh lấy lãi chứ đâu phải vì bà con Lý Sơn ế hàng trăm tấn hành tỏi mới cần rủ lòng thương?”. Anh Định cho rằng, treo băng rôn giống như hành vi cầu xin lòng thương hại, trong khi bà con Lý Sơn không có chuyện ế hàng. Ngoài ra, câu chuyện bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn đang được đặt ra vô cùng cấp thiết.

“Thương hiệu tỏi Lý Sơn vẫn đang uy tín, hiện đang có nhiều tỏi giả, tỏi nhái Lý Sơn trà trộn. Vì thế, việc treo băng rôn là hành động không thể chấp nhận được. Tỏi Lý Sơn đang rớt giá, nhưng bà con không cần lòng thương hại”, anh Phan Văn Định – Phó Chủ tịch Hội kinh doanh và chế biến hành tỏi Lý Sơn nói.

Tỏi Lý Sơn rớt giá nhưng đã đến mức cần “giải cứu”? ảnh 2 Theo anh Phan Văn Định – cần chú trọng hơn nữa trong việc giữ gìn hình ảnh, bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn
Được biết, ngoài chuyện găm hàng, một nguyên nhân nữa khiến tỏi Lý Sơn rớt giá là các loại tỏi ở Ninh Thuận, Khánh Hòa, chất lượng dinh dưỡng không bằng tỏi Lý Sơn, ít mùi thơm hơn chỉ được bán khoảng 20–25 ngàn/kg. Mà các loại tỏi này rất giống với tỏi Lý Sơn nên khó phân biệt. Thời gian này, hàng trăm tấn hành, tỏi của Khánh Hòa, Ninh Thuận đang được bán đổ bán tháo vì nguy cơ mọc mầm. 

Ông Lê Văn Đôi - Phó trưởng phòng kinh tế và hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn cũng nhận định, nhiều khả năng vì lượng tỏi của các địa phương khác sản xuất với số lượng lớn, giá cả lại rẻ hợp với túi tiền của người tiêu dùng nên thị trường tiêu thụ đối với Tỏi Lý Sơn đã thu hẹp, hạ giá.

Bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết: Giá hành, tỏi Lý Sơn tuy có hạ giá nhưng không ảnh hưởng nhiều đến đời sống sản xuất của nông dân. Việc mang hành tỏi đi tiêu thụ để mở rộng thị trường là đáng mừng, tuy nhiên, đừng đánh mất thương hiệu sản phẩm của địa phương. “Chúng tôi luôn ủng hộ việc tìm kiếm và mở rộng thị trường, nhưng không nên lợi dụng sự đồng cảm của người tiêu dùng mà làm phương hại đến đặc sản của địa phương và ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của bà con nông dân” - bà Hương khẳng định.

MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.