Buổi đối thoại diễn ra khá căng thẳng vào kéo dài tới 18h mới kết thúc. Tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến của người dân phản ánh về việc chậm chi trả tiền bồi thường, việc áp giá đền bù chênh lệch so với với quyết đinh của UBND tỉnh, khuất tất trong hồ sơ đền bù.
Người dân nhầm lẫn loại đất bồi thường?
Giải thích với người dân về chênh lệch giá đền bù đất nông nghiệp từ 44.000 đồng/m2 với 88.000 đồng/m2 theo quyết định của UBND tỉnh, ông Trần Nam Hưng, Phó Bí thư Thường trực thành ủy Tam Kỳ cho biết: Dự án đường cao tốc được bồi thường theo đơn giá thay thế theo Quyết định 3960 ngày 4/12/2012 của UBND tỉnh.
Phần lớn ý kiến người dân khiếu nại đều tập trung vào đơn giá đền bù, nhầm lẫn giữa đất vườn ao và đất nông nghiệp thuần túy ban hành theo đơn giá công bố hằng năm của tỉnh. Quan điểm nhất quán của địa phương là việc áp giá bồi thường cho người dân trên địa bàn xã Tam Ngọc là hoàn toàn đúng, không sai. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn có một số vướng mắc như một số người dân đã nhận tiền đền bù cây cối trên thửa đất khai hoang nhưng nay lại đòi bồi thường đất; một số hộ gia đình kê khai nhân khẩu thiếu so với thực tế gia đình nhưng không bổ sung; UBND xã Tam Ngọc và các cơ quan chức năng còn chậm trong việc thẩm định, xét duyệt một số hồ sơ do nguồn gốc đất phức tạp đã gây bức xúc cho người dân.
Quan điểm giải quyết của các cơ quan chức năng TP.Tam Kỳ là những diện tích người dân khai hoang và tổ chức sản xuất ổn định trước ngày 1/7/2004 mà không có tranh chấp, thành phố sẽ đền bù theo đúng quy định. Đối với những hộ còn chậm làm hồ sơ hoặc chưa đúng thủ tục, cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn thủ tục để người dân được hưởng đúng quyền lợi. Riêng tiền thưởng cho các hộ chấp hành tốt chủ trương bàn giao mặt bằng sẽ triển khai sớm nhất trong tuần sau.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ khằng định: “Thành phố cam kết giải quyết quyền lợi thỏa đáng, hợp pháp cho người dân nhưng phải dựa theo các chính sách pháp luật hiện hành, không để bất cứ trường hợp nào bị thiệt. UBND thành phố sẽ chỉ đạo các ngành chức năng rà soát lại các trường hợp thiếu sót để xử lý dứt điểm”
Hồ sơ gốc đền bù ở đâu?
Bà Võ Thị Xuân (thôn Đồng Nghệ) băn khoăn vì sao hồ sơ giấy tờ cấp cho người dân chỉ có chữ ký của cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất, cán bộ xã nhưng không có con dâu xác nhận của cơ quan chức năng. Từ đó đặt nghi ngờ về tính hợp pháp, sự minh bạch của cán bộ trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Bà Xuân đề nghị cung cấp ngay hồ sơ gốc có con dấu, chữ ký rõ ràng để người dân đối chứng và để khiếu kiện lên cấp cao hơn.
Ông Nguyễn Đắc Sáu, một hộ dân phản ánh: Gia đình ông có 2 hồ sơ đền bù giải tỏa. Một của ông đứng tên, một của bố ông (đã mất) đứng tên. Ông lên lên xã nhận 370 triệu đồng đền bù nhưng không để ý đến hồ sơ. Cách đây, 10 ngày khi dân làng phản ánh có chênh lệch giá đền bù, ông lên TT Phát triển quỹ đất TP Tam Kỳ xin lại hai hồ sơ gốc để đối chứng, làm cơ thì cán bộ TT lục tim rồi cho biết đã thất lạc. TT Phát triển quỹ đất chỉ đưa cho ông 2 biên bản tính giá trị đền bù bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng không hề có chữ ký và con dấu nào hết. Do đó ông Sáu cũng đặt nghi vấn khuất tất về hồ sơ đền bù cho người dân.
Ông Nguyễn Ngọc Trai, Giám đốc Trung tâm phát triển Quỹ đất TP Tam Kỳ cho biết: theo nguyên tắc tất cả các quyết định đều phải có chữ ký và con dấu. Riêng các quyết định bồi thường, thu hồi đất đều có dấu tươi xác nhận.
Về phản ảnh của người dân, ông Trai cho biết: có thể do sơ suất nên mới xảy ra việc này. “Tôi khằng định, số liệu trong giấy tờ, hồ sơ đưa cho người dân đúng với hồ sơ gốc. Hồ sơ không chỉ 1 bộ mà có tới 5 bộ như vậy. Lý do vì sao sơ suất như vậy tôi sẽ kiểm tra lại. Rõ ràng trong hồ sơ làm rất kỹ lượng nên chăng có gì khuất tất mờ ám cả. Tất cả đã làm đúng quy trình, tổ chức niêm yết công khai” ông Trai cho biết.
Ông Nguyễn Minh Nam yêu cầu ngay trong ngày 12/11 TT phát triển quỹ đất phải cung cấp hồ sơ gốc cho người dân thắc mắc, khiếu nại. Đồng thời, toàn bộ hồ sơ gốc các hộ khác sẽ phải được TT đưa về trụ sở UBND xã Tam Ngọc để người dân đến đối chứng cụ thể, rõ ràng. Nếu có sai sót phải nhận sai và có trách nhiệm bổ sung vào hồ sơ.
Như đã đưa tin trước đó, vào ngày 10/11, hàng trăm hộ dân xã Tam Ngọc (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đã mang một cỗ quan tài lên công trường đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đang thi công để phản đối vì bức xúc việc áp giá đền bù giải phóng mặt bằng.
Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đi qua xã Tam Ngọc ảnh hưởng đến trên 400 hộ dân đã tiến hành thi công san ủi mặt bằng. Tuy nhiên, theo người dân đến nay việc áp giá đền bù cho người dân có sự chênh lệch mức giá đền bù theo quy định của UBND tỉnh, hồ sơ đền bù có nhiều vấn đề, tiền đền bù không được thanh toán đầy đủ khiến các hộ dân có đất đai, ruộng vườn, mồ mả ảnh hưởng bức xúc.