Tin hot giáo dục: Học sinh lớp 1 bị đuổi học vì “quá tuổi”, hiệu trưởng nói gì?

TPO - Học sinh lớp 1 bị đuổi học vì “quá tuổi”, Học sinh 3 miền đều hát sai Quốc ca, Cô giáo mầm non dùng phách nhạc đánh trẻ; 75% thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học... là những thông tin giáo dục hot nhất tuần qua.

Học sinh lớp 1 bị đuổi học vì “quá tuổi”

Chiều ngày 19/4, anh Trương Văn Lợi (ấp Gò Tranh, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) gửi đơn đến báo Tiền Phong mong được giúp đỡ cho con trai là Trương Văn Tài (SN 2007) tiếp tục được đến lớp cùng bạn bè.

Trong đơn, anh Lợi cho biết, gia đình nghèo, vợ chồng phải đi làm thuê khắp nơi để trang trải cuộc sống. Năm 2007 vợ sinh đứa con đầu lòng đặt tên là Trương Văn Tài, nhưng vì không có tiền nên đến năm 2016 anh mới làm được giấy khai sinh.

Sau đó, phải vất vả lắm anh Lợi mới xin cho con vào học lớp 1 ở Trường tiểu học Vĩnh Xuân kể từ đầu năm học 2016-2017.

Tin hot giáo dục: Học sinh lớp 1 bị đuổi học vì “quá tuổi”, hiệu trưởng nói gì? ảnh 1 Anh Trương Văn Lợi và con trai bên túp lều lụp xụp.
Tài vừa cắp sách đến trường được hơn một tháng thì bị đuổi học. Anh Lợi kể: “Hôm đó, tôi thấy con đi học về sớm hơn mọi ngày nên hỏi thì Tài nói con bị cô giáo đuổi, không cho đi học nữa. Đến sáng ngày hôm sau, tôi dẫn Tài đến gặp cô giáo chủ nhiệm để hỏi lý do, cô giáo Bạch Thị Huệ nói con tôi lì, dạy không được. Tôi năn nỉ để con tôi được tiếp tục đi học nhưng nhà trường từ chối”.

Tài thì kể: “Hôm đó, trong giờ ra chơi, con từ trên lầu chạy xuống cầu thang vô tình đụng trúng một bạn nữ học chung lớp, rồi sau đó tai của bạn cà vô tường làm chảy máu chứ con không có đánh bạn, con cũng đã xin lỗi. Sau giờ ra chơi, cô chủ nhiệm có hỏi con lý do rồi đuổi học con luôn”. (Xem chi tiết tại đây)

Học sinh 3 miền đều hát sai Quốc ca

Hiện nay, học sinh cả 3 miền đều hát sai Quốc ca nên mục tiêu của môn ngữ văn hay năng lực ngôn ngữ cần phải chỉ rõ yêu cầu nói, đọc đúng tiếng Việt thay vì chỉ yêu cầu sử dụng thành thạo.

Đó là ý kiến của ông Phạm Văn Khanh, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục tỉnh Tiền Giang nêu ra tại hội thảo góp dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sáng 14/4.

Theo ông Khanh, dự thảo chương trình tổng thể chỉ nêu mục tiêu, yêu cầu sử dụng thành thạo tiếng Việt của học sinh song chưa nhấn mạnh, làm rõ việc nói, đọc đúng tiếng Việt của học sinh trong năng lực sử dụng tiếng Việt.

"Việc ghi như vậy thì việc đọc đúng tiếng Việt có thể sẽ bị bỏ qua trong biên soạn chương trình chi tiết môn học tiếng Việt của các cấp học và lớp học khi cụ thể hóa" - ông Khanh nói.

Thực trạng hiện nay học sinh cả 3 miền đều không nói, đọc và hát đúng các âm tiết câu đầu tiên của quốc gia Việt Nam (số đông học sinh).

Học sinh vùng Hà Nội, Hà Tây hát: Đoàn quân Việt Lam đi, chung nòng kíu kuốc.

Học sinh vùng Quảng Nam, Đà Nẵng hát: Đoèn quên Việt Nem đi…
Học sinh vùng Sài Gòn, Gia Định hát: Đòn quân Diệt Nam đi…

Các em học sinh phía Bắc thường đọc, nói sai các phụ âm đầu, học sinh miền Trung thường đọc, nói sai âm chính, học sinh phía Nam thường đọc, nói sai các phụ âm cuối và hiện nay nhiều phụ âm đầu cũng bị nói, đọc sai.

Do vậy, theo ông Khanh, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nên chú trọng vấn đề này.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Ngọc Phú, Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, học sinh Việt Nam hiện nay nói ngọng quá nhiều. Cứ như vậy thì sau này tiếng Việt sẽ bị méo mó.

Cô giáo mầm non dùng phách nhạc đánh trẻ

Trường mầm non Hoa Sen (Hà Tĩnh) vừa ra quyết định tạm đình chỉ giáo viên mầm non bị phụ huynh tố dùng điện thoại đánh vào đầu trẻ 4 tuổi, gây sưng đầu và có hiện tượng nôn sau khi ăn để điều tra, làm rõ.

Ngày 17/4, Trần Thị Mai (30 tuổi), mẹ của bé T.L.N. (4 tuổi) ở Hà Tĩnh viết lên Facebook cá nhân tố cáo cô giáo chủ nhiệm lớp con trai mình có hành động dùng điện thoại đánh lên đầu cháu N. gây sưng vù, dẫn đến nôn sau khi ăn. Hiện cháu N. đã nghỉ học 3 tuần.

Chị Mai có đưa lên Facebook cuộc nói chuyện giữa cô giáo với nội dung: “Lần sau, cháu không nghe lời thì có biện pháp khác chứ đừng lấy điện thoại đánh lên đầu cháu”.

Sau đó, cô Thảo trả lời: “Lúc sáng em lỡ tay phạt cháu, mong chị thông cảm”.

Qua tìm hiểu, cô giáo bị tố đó tên là Nguyễn Thị Thảo, Giáo viên trường mầm non Hoa Sen (xã Thạch Trung, TP. Hà Tĩnh).
Mẹ cháu N. cũng cho rằng: Vào ngày 1/4, cô Thảo đã đánh cháu N. và cho các bạn cùng lớp giữ N. lại để nhiều bạn khác dùng tay vả vào miệng.

Theo tường trình của chị Nguyễn Thị Thảo, sự việc đánh cháu N. xảy ra vào ngày 28/3. Trong giờ hoạt động ngoài trời, cháu N. đã nhiều lần tuột quần các bạn nam và sờ vào vùng kín của các bạn nên chị Thảo đã dùng phách nhạc đánh vào tay N. để phạt.

Lý giải về đoạn tin nhắn chị Thảo thừa nhận dùng điện thoại đánh vào đầu trẻ, chị Thảo cho hay: “Lúc đó, đang bận nấu cơm nên tôi không đọc kĩ tin nhắn của mẹ N., đã vội vàng trả lời lại. Chứ tôi chỉ dùng phách nhạc đánh vào tay chứ không dùng điện thoại đánh đầu”. (Xem chi tiết tại đây)

75% thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học

Tính đến chiều ngày 20/4, công tác đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH,CĐ gần như đã hoàn tất. Theo Bộ GD&ĐT, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH năm nay chiếm tới 75% thí sinh đăng ký dự thi, cao hơn năm trước.

Nhận định về tình hình nhận hồ sơ đăng ký thi năm nay, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, do thông tin về kỳ thi được cung cấp đầy đủ từ sớm nên ngay từ những ngày đầu tiên tiếp nhận đăng ký dự thi đã có khá nhiều thí sinh nộp hồ sơ. Các sở GDĐT cũng đã nhập dữ liệu ngay từ đầu nên không xảy ra tình trạng dồn ứ dữ liệu vào những ngày cuối.

Thống kê dữ liệu cho thấy năm nay tỉ lệ thí sinh thi để lấy kết xét tuyển vào ĐH chiếm khoảng 75%, cao hơn năm ngoái khoảng 5%. Số thí sinh đăng ký dự thi bài thi khoa học xã hội tăng cao, chiếm trên 50% tổng số thí sinh đăng ký dự thi. (Xem chi tiết tại đây)

MỚI - NÓNG