Tiếp dân, xử lý đơn thư: Phải tránh tình trạng “chim đưa thư”

Một buổi tiếp công dân tại trụ sở quận Hai Bà Trưng - Hà Nội. Ảnh: Như Ý
Một buổi tiếp công dân tại trụ sở quận Hai Bà Trưng - Hà Nội. Ảnh: Như Ý
TP - Ngày 23/4, phát biểu về dự thảo Nghị quyết tiếp, xử lý đơn thư của công dân, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, phải tránh được tình trạng “chim đưa thư” chuyển đơn lòng vòng.

Nơi tiếp dân nên tập trung

Theo Chủ tịch Quốc hội, nên quy định nơi tiếp dân của các cơ quan Quốc hội tập trung, tạo thuận lợi cho dân, không nên mỗi cơ quan một điểm. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng không được tiếp dân tại nhà, vì nếu như vậy, dân sẽ ùn ùn kéo đến nhà gửi đơn thư.

Về phía người dân, cũng phải quy định rõ như thế nào mới được tiếp, theo đúng tinh thần của Luật Tiếp công dân mà Quốc hội vừa thông qua. Đồng thời, phải phát huy vai trò giám sát của Quốc hội, ĐBQH đối với việc giải quyết đơn thư của các cơ quan có thẩm quyền.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nói rằng, lâu nay công tác tiếp dân quá phiền nhiễu. Riêng Ủy ban này, mỗi năm tiếp nhận tới gần chục nghìn đơn thư là quá lớn so với khả năng giải quyết.

“Ở một số địa phương, nhiều khi người ta xô đẩy, mất trật tự ngay tại trụ sở tiếp dân. Có người vào trụ sở là muốn hành hung cán bộ ngay. Có lần xuống địa phương, tiếp xong, tôi cũng rất khó khăn để lên xe về. Nếu quy định thẩm quyền tiếp công dân quá rộng, e đại biểu khó làm được. Bản thân tôi tháng nào cũng có tới 10 ngày có công dân đợi ở cổng. Còn nhà anh Hiện (Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp), người dân mắc màn đợi bên ngoài, nếu không được tiếp không chịu về”, ông Quyền nói.

Theo ông Quyền, thời gian của đại biểu dành cho việc tiếp dân và làm đại biểu chỉ khoảng 20%, còn lại 80% phải để dành cho nhiệm vụ là thành viên ủy ban.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói rằng, “tình trạng đơn thư lòng vòng” cần được giám sát, có chế tài để xử lý. Cần có quy định cụ thể đối với những vụ việc đã giải quyết hết thẩm quyền rồi, nhưng dân vẫn khiếu kiện, chưa đồng thuận thì có giải quyết nữa không.

“Vụ việc công dân Nguyễn Thị Phương Dung (Báo Tiền Phong từng thông tin) đã được giải quyết qua rất nhiều cấp, kể cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đều đã giải quyết rồi, bây giờ người ta vẫn khiếu nại thì giải quyết như thế nào?”, ông Lưu nói.

Cần giám sát giải quyết đơn thư

Chia sẻ với những ý kiến trước đó, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, bản thân quy định tại dự thảo cũng có thể dẫn tới việc chuyển đơn lòng vòng giữa các cơ quan của Quốc hội.

“Mục đích của chúng ta là tránh giải quyết đơn thư lòng vòng. Nhưng với quy định tại dự thảo (điều 20), có khi đơn thư chuyển từ tầng 1 đến tầng 2 phải mất vài tháng. Như vậy, chính chúng ta đang tạo ra sự lòng vòng”, ông Phúc nói.

Bản thân tôi tháng nào cũng có tới 10 ngày có công dân đợi ở cổng. Còn nhà anh Hiện (Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp), người dân mắc màn đợi bên ngoài, nếu không được tiếp không chịu về”.

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Bùi Nguyên Súy và một số ĐBQH nói rằng, phải tránh tình trạng “chim đưa thư”, chuyển đơn lòng vòng. Cái đích của ĐBQH trong tiếp dân là đơn thư đó phải được xem xét, giải quyết bởi các cơ quan có thẩm quyền. Nhưng quan trọng, cần có sự giám sát của ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội xem đơn thư đó có được giải quyết đúng trình tự, đúng pháp luật hay không.

Nếu không cẩn thận, không gắn với giám sát, công dân sẽ tiếp tục kéo đến nhà ĐBQH gửi đơn. Công dân cho rằng, trong những vụ việc như vậy, nếu khẳng định đã giải quyết đúng, cơ quan chức năng phải ra văn bản. Nếu chưa giải quyết đúng, phải giám sát. Nếu chỉ giải thích thôi thì không ổn, mà chuyển đơn thì không có căn cứ để chuyển nữa. Đơn thư sẽ ùn tắc tại Quốc hội.

“Có những vụ việc kéo dài ba bốn mươi năm, chưa giải quyết xong, phải tiếp nhận đơn, giám sát để trả lời công dân. Giám sát là để làm rõ vụ việc đó đã được giải quyết như thế nào”, ông Súy nói.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, quy định về việc tiếp nhận, chuyển đơn thư cũng phải rất cụ thể, nếu không sẽ khó thực hiện. “Với người này, việc đó là quan trọng, nhưng người kia lại không quan trọng. Tôi thấy việc đó không cần thiết, tôi bỏ đơn vào túi, cất đi thì sao?”, ông Sơn phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, thực tế quy định về công tác giải quyết đơn thư của các cơ quan Quốc hội còn có hạn chế. Đơn cử vụ việc của bà Phương Dung còn “bí rì rì”. Ông đề nghị cơ quan soạn thảo không nóng vội mà cần rà soát thật kỹ, chỉnh sửa nội dung dự thảo thật phù hợp, đảm bảo tính khả thi mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Chất lượng tiếp dân chưa cao

Ngày 23/4, tại thành phố Rạch Giá (Kiên Giang), Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị chia sẻ về công tác tiếp dân giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ.

Đại diện Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và hơn 300 đại biểu ngành thanh tra của 33 tỉnh, thành trên cả nước tham dự. Có 10 báo cáo, tham luận trình bày những kinh nghiệm trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ổn định tình hình khiếu kiện ở các địa phương, nhất là khiếu kiện đông người.

Nhiều đại biểu đánh giá chất lượng công tác tiếp dân thời gian qua chưa cao, chưa gắn kết giữa tiếp dân với đối thoại và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; phân loại, xử lý đơn thư còn nhiều hạn chế, nhất là tình trạng chuyển đơn thư lòng vòng gây bức xúc cho công dân khiếu kiện.

Vai trò, trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của người đứng đầu chưa được thể hiện tốt, còn biểu hiện sự thiếu trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy. Việc chấp hành, triển khai thực hiện các quyết định có hiệu lực pháp luật, các kết luận và ý kiến chỉ đạo của cấp trên chưa nghiêm túc.

Hồng Lĩnh

MỚI - NÓNG