Chất liệu độc đáo nhưng khó
Không sử dụng những chất liệu phổ biến như màu nước, bột màu, bút sáp màu, bút chì màu,… thí sinh tham dự cuộc thi dùng màu nhuộm tóc Elumen tạo yếu tố “sắc” của bức tranh. Chất liệu độc đáo này không kém cỏi so với chất liệu truyền thống, vẫn mang đến hiệu ứng thị giác về chiều sâu trên mặt phẳng hai chiều của tác phẩm.
Theo Họa sĩ biếm họa Nguyễn Hữu Khoa (bút danh Còm) thì chất liệu thuốc nhuộm này rất giống với chất liệu acrylic thường dùng trong vẽ tranh. Màu nhuộm vật lí Elumen cũng không biến đổi màu khi để ngoài không khí và có thể dùng pha trộn với nhau như màu nước thông thường.
Tuy nhiên, bản chất cốt tủy của màu Elumen là thuốc nhuộm tóc nên những hạn chế của chất liệu lại trở thành thách thức với thí sinh tham dự cuộc thi. Trần Phương Thảo, tác giả của “Trò cút bắt”, 1 trong 5 tác phẩm đoạt giải ý tưởng cho biết bảng màu của thuốc nhuộm không phong phú như màu vẽ chuyên nghiệp nên trong tranh Thảo chọn cách thể hiện khác so với lối vẽ hàng ngày. Cô hạn chế sự lặp màu và chọn chi tiết cách xa nhau khi muốn sử dụng lại một màu.
Nguyễn Hải Long, giải ba với “Khi chỉ còn một” chia sẻ vì không có màu trắng để làm nhạt màu hoặc tạo độ trong, độ tươi cho các màu khác nên Long quyết định thể hiện một bức tranh toàn màu đậm. “Khi chỉ còn một” chủ đạo với 4 màu được dùng đậm, gây ấn tượng mạnh về thị giác: đen của con đường, vàng của không gian, xanh của tán cây và nâu của những gốc cây bị chặt nham nhở. Bức tranh tái hiện một con đường cong mềm mại và đìu hiu những gốc cây bị đốn, vốn ồn ã trên báo chí thời gian qua.
Những tiếng cười rất thời sự
Nếu hai lần tổ chức đầu tiên không có sự bó buộc trong chủ đề, đề tài thì năm nay ban tổ chức “khuôn” các thí sinh trong thể loại tranh vui. Tôn chỉ cuộc thi nhẹ nhàng như nội dung phát biểu của ban tổ chức “dựa trên ý tưởng về những nụ cười và sự hài hước để chúng ta có thêm nhiều niềm vui sống, nhiều động lực vượt qua những thách thức, khó khăn”. 30 tác phẩm được hoàn thành là muôn hình vạn trạng sắc thái tiếng cười về nhiều mảng, màu của đời sống. Các hiện tượng, vấn đề thời sự đang nóng đều phả hơi thở vào tranh. Những tiếng cười vì thế không hề nhẹ nhõm.
Thân Hoài Nam với tác phẩm đoạt giải nhì “Bữa ăn tinh thần”
Cùng một vấn đề, mỗi bức tranh lại có cách nhìn, cách khai thác khác nhau. Hiện tượng sống ảo của giới trẻ được Ngọc Bảo nêu bật trong “Hai cuộc đời”. Trong khi đó, Thân Hoài Nam bằng những ẩn dụ độc đáo, bày ra một “Bữa ăn tinh thần” cho thấy sự mê say mạng xã hội, internet đến mức mỗi cá nhân tự triệt tiêu ở mình các kĩ năng , sự sáng tạo. Con người trở thành nô lệ của công nghệ. Chính “Bữa ăn tinh thần” này đưa Nam đến giải nhì cuộc thi.
Lấy cảm hứng từ sự kiện đội tuyển bóng đá Việt Nam thất bại trước Malaysia trong giải AFF Cup vừa qua, bằng những gam màu nóng, Lê Thị Thanh Huyền hài hước về sự quá khích của các cổ động viên nữ trong “Phụ nữ không phải vừa”. Tôn Ánh Quang bộc lộ quan điểm về tính hai mặt của truyền thông: tung hô và hạ bệ dễ dàng qua sự đối lập của những hình ảnh chiến thắng và chiến bại trong “Truyền thông với bóng đá”.
Nhiều bức tranh khác của cuộc thi cùng chung đề tài thể hiện: môi trường ô nhiễm, sự kiện hoa hậu đăng quang, gia đình,…
Giải nhất duy nhất của cuộc thi thuộc về Nguyễn Tùng Dương (cựu sinh viên khoa Kiến trúc, Viện đại học Mở) với “Bố anh là công an”. Đây là đề tài độc, không có thí sinh cùng chọn thể hiện.Bức tranh tươi sáng, nội dung đơn giản đánh thẳng vào vấn nạn xã hội. Dương cho biết: “Lấy vị thế, danh tiếng của người thân để làm những điều khuất tất trong xã hội là hiện tượng phổ biến. Tôi thấy bức xúc về điều đó”
Cuộc thi “Sắc màu vui nhộn” do nhãn hàng Goldwell tổ chức. Đây là năm thứ ba liên tiếp cuộc thi diễn ra. Ban giám khảo ngoài đại diện ban tổ chức còn có sự góp mặt của danh hài – nghệ sĩ Xuân Bắc, họa sĩ biếm họa Nguyễn Hữu Khoa (bút danh Còm) và họa sĩ biếm họa Lê Phương (bút danh Leo). Ngoài các giải nhất, nhì, ba và khuyến khích, ban tổ chức còn trao 5 giải ý tưởng.