Tiền đóng BHYT tự nguyện hộ gia đình thay đổi thế nào sau khi tăng lương cơ sở?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở sẽ được điều chỉnh tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Vì thế, mức đóng BHYT tự nguyện hộ gia đình cũng sẽ được điều chỉnh.

Hiện nay, mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) đối với hộ gia đình được thực hiện theo quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP, ngày 17/10/2018.

Theo quy định, mức đóng BHYT hộ gia đình sẽ được tính như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Vì thế, khi mua BHYT tự nguyện, hiện tại người thứ nhất đóng 804.600 đồng/năm; Người thứ hai đóng 563.220 đồng/năm; Người thứ ba sẽ đóng 482.760 đồng/năm; Người thứ tư đóng 402.300 đồng/năm; Người thứ năm trở đi đóng 321.480 đồng/năm.

Tiền đóng BHYT tự nguyện hộ gia đình thay đổi thế nào sau khi tăng lương cơ sở? ảnh 1

Người dân khám chữa bệnh bằng BHYT

Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở sẽ được điều chỉnh tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng theo Nghị định 24/2023/CP-CP ngày 14/5/2023. Vì thế, mức đóng BHYT tự nguyện hộ gia đình cũng sẽ thay đổi theo lương cơ sở.

Căn cứ theo quy định, người mua bảo hiểm sẽ phải đóng số tiền như sau:

- Người thứ nhất đóng: 972.000 đồng/năm (4,5% mức lương cơ sở);

- Người thứ hai đóng 680.400 đồng/năm (bằng 70% mức đóng người thứ nhất);

- Người thứ ba đóng 583.200 đồng/năm (bằng 60% mức đóng người thứ nhất);

- Người thứ tư đóng 486.000 đồng/năm (bằng 50% mức đóng người thứ nhất);

- Người thứ năm trở đi 388.800 đồng/năm (bằng 40% mức đóng người thứ nhất);

Như vậy, có thế thấy với hộ gia đình càng có nhiều thành viên thì mức đóng hàng tháng sẽ càng thấp.

Sau khi đóng BHYT tự nguyện hộ gia đình, nếu người dân khám, chữa bệnh đúng tuyến sẽ được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh nếu khám bệnh ở tuyến xã; 100% chi phí khám, chữa bệnh khi người bệnh trong trường hợp chi phí khám, chữa bệnh của 1 lần khám, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở hiện hành; 100% chi phí khám, chữa bệnh khi người bệnh đã tham gia BHYT 5 năm liên tục và tổng số tiền chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm cao hơn 6 tháng lương cơ sở.

Những trường hợp còn lại, sẽ được miễn 80% chi phí khám, chữa bệnh.

Đối với những trường hợp khám, chữa bệnh trái tuyến:

Người tham gia BHYT nếu đi khám, chữa bệnh ở các bệnh viện trái tuyến so với nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu sẽ được hưởng 40% chi phí điều trị trong trường hợp điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương;

Hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện;

Hưởng 100% chi phí khám và chữa bệnh ở bệnh viện tuyến tỉnh bắt đầu từ ngày 1/1/2021.

MỚI - NÓNG