Trước đó, các nước châu Âu là thành viên NATO đã tỏ rõ sự lo lắng khi ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng từng tuyên bố NATO đã “lỗi thời”, thúc ép các quốc gia thành viên phải dành 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho chi tiêu quốc phòng và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc NATO tham gia liên minh chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Theo các chuyên gia phân tích, điều này dự báo sẽ có những căng thẳng diễn ra tại phòng họp có sự tham dự của Tổng thống Donald Trump.
Thật vậy, yêu cầu của Tổng thống Donald Trump về vấn đề tăng chi tiêu quốc phòng của các nước thành viên NATO đã hơn một lần được nhắc lại, bắt đầu thông qua cuộc gặp với Thủ tướng Đức Merkel.
Tại cuộc gặp đầu tiên này giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Đức, bà Merkel cho biết sẽ đưa vấn đề này ra bàn lại.
Trên thực tế, lập trường của Mỹ về chủ đề này đã được nhấn mạnh tại cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên NATO diễn ra vào tháng 2/2017, khi đó tân Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tuyên bố nước Mỹ sẽ tôn trọng và giữ cam kết đối với các điều khoản nền tảng đối với NATO (nhất là Điều 5 về phòng thủ tập thể), nhưng nếu các quốc gia thành viên khác muốn Washington chắc chắn hơn đối với các điều khoản này thì họ phải đầu tư hơn nữa trong chi tiêu quốc phòng.
Lập trường này của Chính quyền Trump giống như chính quyền tiền nhiệm Barack Obama khi mà cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates cũng có bài phát biểu tương tự vào năm 2011.
Điều thay đổi lần này đó là “tính khí thất thường” của Tổng thống Donald Trump, chính điều đó đã làm cho các nước rất khó dự đoán ông Trump có thể sẽ làm gì để ép các nước đồng minh NATO phải tăng chi tiêu quốc phòng. Nói tóm lại, vấn đề này sẽ nằm trong chương trình nghị sự và các cuộc thảo luận về chủ đề này sẽ có nguy cơ nóng lên ở mọi thời điểm.
Một vấn đề khác đang nổi lên như là một thách thức an ninh toàn cầu đó là cuộc chiến chống tổ chức IS tự xưng.
Tổng thống Donald Trump đã hơn một lần nhấn mạnh, việc NATO trở thành thành viên của liên minh chống tổ chức IS tự xưung sẽ giúp thúc đẩy hợp tác trong cuộc chiến chống tổ chức này ở Syria và Iraq.
Theo Ngoại trưởng Mỹ, tại hội nghị thượng đỉnh lần này, Washington sẽ chính thức yêu cầu NATO tham gia vào liên minh quốc tế chống IS tại Syria và Iraq.
Trong cuộc họp ở Brussels, tất cả 28 đại sứ của NATO đã đồng ý tổ chức này tham gia vào liên minh, mở đường cho các nhà lãnh đạo NATO đưa ra quyết định tại cuộc họp thượng đỉnh ngày 25/5.
Ngày 24/5, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã bày tỏ mong muốn các nước thành viên khối này sẽ nhất trí tăng cường hỗ trợ liên minh chống khủng bố toàn cầu. Ông nhấn mạnh việc NATO trở thành thành viên của liên minh trên sẽ giúp thúc đẩy hợp tác trong cuộc chiến chống tổ chức IS tự xưng ở Syria và Iraq, qua đó phát đi một thông điệp mạnh mẽ của sự đoàn kết trong cuộc chiến chống khủng bố.
Như vậy là về cơ bản tất cả các nước EU đều đồng ý tham gia vào liên minh chống IS tự xưng do Mỹ đứng đầu. Tuy nhiên, đã xuất hiện những chia rẽ sâu sắc trong nội bộ NATO về việc liệu khối quân sự này có tham gia liên minh do Mỹ đứng đầu này hay không.
Các nước EU về cơ bản đồng ý với chủ trương của Mỹ, tuy nhiên các nước ngoài EU trong NATO lại có những quan điểm khác biệt.
Ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố phủ quyết về việc hợp tác giữa NATO và Áo do chính quyền Vienne vừa tuyên bố điều 400 binh sĩ gìn giữ hòa bình đến Kosovo, đồng thời Thủ tướng Áo Christian Kern còn cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ không có vị trí tại EU.
Ngày 24/5, một số nhà ngoại giao châu Âu cho biết Pháp và Đức sẽ nhất trí với một kế hoạch của Mỹ, theo đó NATO đóng vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống lại các chiến binh Hồi giáo. Kế hoạch này sẽ cho phép NATO tham gia liên quân chống lại tổ chức IS tại Syria và Iraq.
Lâu nay Pháp và Đức vẫn lo ngại nguy cơ NATO chạm trán với Nga ở Syria, bên cạnh đó là việc các nước Arab vốn có thái độ thù địch với NATO. Theo các nguồn tin ngoại giao, việc NATO tham gia vào liên quân chống IS chủ yếu mang tính biểu tượng.
Trong quan hệ với NATO, lập trường của Tổng thống Donald Trump đã có nhiều thay đổi trong thời gian qua. Tháng trước, chính Tổng thống Donald Trump đã nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của NATO, trong khi chỉ cách đó ít lâu, ông đã có những phát biểu coi liên minh này là một cấu trúc "lỗi thời" trong cuộc chiến chống khủng bố.
Chính những quan điểm khác nhau của Tổng thống Donald Trump về NATO, dự báo cuộc họp thượng đỉnh giữa Mỹ với NATO những ngày tới sẽ căng thẳng và có nhiều nhân tố bất định.