Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tư duy sắc bén để phát triển công nghiệp văn hóa

TPO - Việt Nam có tiềm năng, lợi thế lớn về nhiều mặt để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước, phù hợp với xu thế của thời đại. Tuy nhiên, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta vẫn gặp khó khăn. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8 về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ trên thế giới, các ngành công nghiệp văn hóa đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ và được xác định là yếu tố quan trọng, bền vững nhằm thu hút nguồn lực, tạo lợi thế cạnh tranh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, định vị thương hiệu quốc gia.

Việt Nam có tiềm năng, lợi thế lớn về nhiều mặt để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước, phù hợp với xu thế của thời đại.

Tuy nhiên việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như thiếu các văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể có liên quan trong một số lĩnh vực. Cơ chế, chính sách chưa theo kịp thực tiễn, vi phạm pháp luật về bản quyền chưa được ngăn chặn kịp thời, triệt để...

Từ thực tế đó, Thủ tướng yêu cầu chú trọng, đẩy nhanh quá trình ứng dụng, khai thác những thành tựu khoa học công nghệ, kỹ thuật cùng kỹ năng kinh doanh, năng lực sáng tạo, phát huy nguồn vốn văn hóa và quyền sở hữu trí tuệ để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mang giá trị văn hóa và kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tư duy sắc bén để phát triển công nghiệp văn hóa ảnh 1

Việt Nam có tiềm năng, lợi thế lớn về nhiều mặt để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Chỉ thị số 30/CT-TTg nhấn mạnh yêu cầu phải có tư duy sắc bén, biết lựa chọn tinh hoa, tạo đột phá phát triển công nghiệp văn hóa. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phải bảo đảm khai thác tối đa, hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đáp ứng được các yếu tố sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh, bền vững trên nền tảng dân tộc, khoa học, đại chúng...

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp như ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quán triệt, nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, giá trị của các ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội và quảng bá văn hóa Việt Nam và chủ động rà soát, tham mưu trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, ban hành các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách cần thiết để hỗ trợ, khuyến khích và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn tới.

Một trong số giải pháp quan trọng là chủ động, phối hợp xây dựng phương án đầu tư, hỗ trợ theo từng giai đoạn đối với một số lĩnh vực công nghiệp văn hóa cần ưu tiên phát triển. "Trong đó xây dựng kế hoạch và triển khai thí điểm đến năm 2030 đối với một số lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh, như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế, du lịch văn hóa...", chỉ thị nêu.

Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy, phát triển công nghiệp văn hóa tại địa phương.

MỚI - NÓNG