Ẩm thực Nam Định không chỉ có phở
Nam Định có món phở nức tiếng, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình tri thức dân gian. Tuy nhiên, bản đồ ẩm thực Nam Định còn nhiều điểm sáng. Không khó để liệt kê những đặc sản thành Nam từ món mặn với món ngọt, có thể ăn từ bữa chính tới bữa phụ, quà chiều.
Những quán phở nức tiếng chắc hẳn trở thành điểm đến đầu tiên trong chuyến food tour của du khách ở Nam Định. Phở xíu Quán Bé (phố Nguyễn Hiền), phở Tặng (phố Hàng Tiện) hay phở Đán (phố Bắc Ninh kéo dài), phở Sinh (Nguyễn Du), phở Hải ... chiều lòng du khách với đủ các món phở từ phở áp chảo, phở chấm xíu tới phở bò nước, phở sốt vang.
Phở áp chảo là món ăn sáng quen thuộc của người dân Nam Định. |
Từ 9h sáng, nhiều quán báo hết hàng vì khách tới quá đông, đặc biệt vào dịp cuối tuần. Ông Trần Minh Thưởng - một thực khách quen của quán phở Hải - cho biết ấn tượng nhất khi ăn phở áp chảo là nước dùng ngọt, phở và thịt bò mềm.
"Nhà tôi không gần quán phở Hải nên cuối tuần mới đến ăn. Phở ngon nên tôi không ngại đi xa. Bây giờ món ăn phải chất lượng mới có thể đông khách", ông Trần Minh Thưởng chia sẻ với Tiền Phong.
Ông Trần Minh Thưởng khẳng định ẩm thực Nam Định phong phú, hấp dẫn du khách. |
Một món ăn bình dân nhưng không kém phần hấp dẫn, thu hút thực khách gần xa là bún sung. Đúng như tên gọi, món gồm hai nguyên liệu chính là bún và sung muối, ăn kèm tóp mỡ béo ngậy, vàng giòn. Nhiều người gọi đây là bún tóp mỡ.
Món ăn này ban đầu là bún riêu cua, sau điều chỉnh thêm sung và tóp mỡ để phù hợp với khẩu vị của thực khách.
Chợ Diên Hồng ở thành phố Nam Định có quán bún sung tuổi đời gần 30 năm. Ban đầu, chủ quán thái thêm sung muối vào bát bún riêu để khách ăn kèm. Lâu dần, thực khách tự trộn sung kèm dấm ớt. Một món ăn mới ra đời từ đó.
Nam Định cũng nổi danh với món nem nắm, có nguồn gốc từ huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Khi phủ Thiên Trường trở thành kinh đô thứ 2 của vua Trần, nhiều đặc sản trên cả nước hội tụ về đây để dâng lên đức vua. Trong đó, có món nem nắm. Nguyên liệu chính làm nên món ăn này gồm thịt lợn, bì lợn.
Nem nắm thường được chọn làm món khai vị trong mâm cỗ. |
Vị riêng của nem nắm Giao Thủy còn đến từ nước mắm Sa Châu và tỏi tía Quất Lâm ăn kèm. Một cửa hàng nem nắm Giao Thủy trên đường Hùng Vương (TP. Nam Định) mỗi ngày chế biến khoảng 30-50 kg thịt, bì nguyên liệu, tương ứng khoảng hơn 300 nắm nem.
Tới bữa xế, người dân Nam Định tha hồ lựa chọn xíu páo, kem xôi hay nhẹ nhàng hơn là kẹo Sìu Châu. Bánh xíu páo xuất hiện ở Nam Định nhờ người Hoa. Nguyên liệu làm bánh chủ yếu gồm bột mì, thịt, trứng, bột, mỡ lợn và một số gia vị đặc trưng tùy theo cách làm gia truyền của mỗi gia đình.
Xíu páo, kem xôi, kẹo Sìu Châu... là những món quà chiều được người dân Nam Định ưa thích. |
Người ta thường ướp thịt lợn thăn với tỏi băm nhỏ, ngũ vị hương, dầu hào, mật ong rồi đem rán cho đến khi xíu páo dậy mùi thơm, chuyển sang màu cánh gián.
Kem xôi Nam Định cũng rất đơn giản, chỉ có xôi vò truyền thống và kem tươi. Quán kem xôi nổi tiếng ở phố Nguyễn Du (TP. Nam Định) có mặt tiền khá nhỏ, bên trong kê vừa khoảng 5-6 chiếc bàn nhưng chiều nào cũng kín khách cả trong lẫn ngoài.
Kẹo Sìu Châu cũng là món ăn vặt dễ thưởng thức, với vị ngọt thanh của đường, vị bùi của vừng, béo ngậy của lạc. Món ăn này thường được nhâm nhi cùng một chén trà để cân bằng hương vị. Kẹo Sìu Châu do tổ nghề Đỗ Phúc Nhật người gốc Nam Định sáng tạo ra cách đây hơn 200 năm.
Đẩy mạnh du lịch ẩm thực xứng với tiềm năng
Văn hóa ẩm thực Nam Định đa dạng với các món ăn mang nét đặc trưng và bản sắc vùng miền. Ở những vùng quê biển Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy, nổi tiếng với rượu, muối, nước mắm, nem nắm, cá chạch kho niêu, gỏi nhệch...
Ở các vùng quê Nam Trực, Trực Ninh lại có bún, phở, bánh đa, miến dong. Ở thành phố Nam Định phổ biến ẩm thực đường phố, đặc sản quà tặng như bánh mỳ, bánh cuốn, bánh gai, bánh nhãn, kẹo Sìu Châu, bánh xíu páo, bún đũa.
Phong phú là thế nhưng Nam Định vẫn cần thêm những giải pháp đồng bộ, bứt phá hơn nữa để bản đồ ẩm thực tạo dấu ấn với du khách.
Năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định phối hợp với Hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam tổ chức hành trình khảo sát xây dựng di sản văn hóa ẩm thực tiêu biểu tại Nam Định. Chương trình thuộc Dự án 100 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam giai đoạn 2022-2024.
Bà Lê Thị Thiết - Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nam Định - cho rằng mục tiêu chính trong thời gian tới của Hiệp hội là tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị các đặc sản Nam Định, từ đó nâng tầm ẩm thực Nam Định. Giải pháp trước mắt là hỗ trợ các nghệ nhân, hộ gia đình và đơn vị sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh, đúng tiêu chuẩn.
"Nam Định là địa phương có đường biển, sông, thổ nhưỡng... Nguồn tài nguyên lúa gạo dồi dào, thủy hải sản cũng phong phú. Các sản phẩm của địa phương rất đặc sắc, không bị biến đổi. Nhiều phong tục, lễ hội liên quan đến ẩm thực được bảo tồn và phát huy như lễ hội Phủ Dầy, hội chợ Viềng, phong tục dâng cỗ của xã Nam Hồng (huyện Nam Trực), lễ tế cá trắm...", bà Lê Thị Thiết nói.
Chuyên gia đề xuất tiếp tục các giải pháp bảo tồn, gìn giữ làng nghề có đặc sản, kiện toàn về chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì để quảng bá sâu rộng. Ẩm thực Nam Định cần gắn chặt với tiềm năng phát triển du lịch.
"Nếu có sự vào cuộc bài bản của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, tổ chức hiệp hội, việc phát triển du lịch ẩm thực ở Nam Định sẽ được khai thác tốt hơn", nghệ nhân Lê Thị Thiết nhận định.
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định cho biết ngay sau khi phở Nam Định được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Nam Định có chiến lược để bảo tồn và phát huy di sản. Nam Định sẽ sớm đề xuất với Bộ VHTTDL xây dựng hồ sơ ghi danh phở Việt để trình UNESCO.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có sáng kiến khảo sát để xây dựng sản phẩm foodtour Nam Định dựa trên tài nguyên phong phú của địa phương.