Thủ tướng Nhật gặp nhiều trở ngại khi thực hiện nguyện vọng của ông Abe

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ba ngày sau vụ ám sát cố Thủ tướng Abe Shinzo, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hứa sẽ tôn vinh di sản của ông bằng cách làm nốt công việc dang dở của nhà lãnh đạo quá cố: Sửa đổi Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật gặp nhiều trở ngại khi thực hiện nguyện vọng của ông Abe ảnh 1

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida muốn thực hiện nguyện vọng của cố Thủ tướng Abe Shinzo. (Ảnh: Japan Times)

Chỉ vài phút sau, ông Kishida giải thích công việc đó khó khăn như thế nào.

Các lãnh đạo kế tiếp nhau, trong đó có ông Abe, đã không vượt qua được những trở ngại chính trị và pháp lý để sửa hiến pháp và hợp pháp hóa vai trò của quân đội. Bất kỳ thay đổi nào đối với bản hiến pháp mà Mỹ soạn thảo từ sau Thế chiến 2 cũng có thể cần vài năm nữa, dù liên minh của Thủ tướng Kishida vừa giành đủ số ghế trong cuộc bầu cử Thượng viện ngày 10/7 để khởi động quy trình này.

Ông Abe, 67 tuổi, bị ám sát ở cự ly gần hôm 8/7, khi ông đang vận động bầu cử. Vụ tấn công đã cướp của đảng Dân chủ tự do một trong những người ủng hộ thay đổi hiến pháp mạnh mẽ nhất. Dù những người ủng hộ cho rằng việc thay đổi sẽ khẳng định sự độc lập và củng cố an ninh của Nhật Bản, nhưng ý tưởng này vẫn gây tranh cãi ở cả dư luận trong và ngoài nước.

“Tôi bi quan về cơ hội thay đổi hiến pháp. Đó là điều có thể làm khi ông Abe thúc đẩy, nhưng giờ ông ấy đã ra đi và họ mất động lực khuyến khích”, ông Brad Glosserman, phó giám đốc trung tâm chiến lược tại ĐH Tama (Nhật Bản), nói với Bloomberg.

Sửa đổi hiến pháp đòi hỏi 2/3 nghị sĩ trong cả Hạ viện và Thượng viện ủng hộ, sau đó phải trải qua cuộc trưng cầu dân ý cả nước. Ông Kishida nhấn mạnh rằng cần sự đồng thuận trong các nghị sĩ, trong khi họ vẫn bất đồng về cách thức thay đổi, nhất là Điều 9.

“Không chỉ cần 2/3 ủng hộ ý tưởng sửa đổi, mà là 2/3 ủng hộ nội dung sửa đổi”, ông Kishida nói với báo chí sau cuộc bầu cử ngày 10/7.

Thủ tướng Nhật cũng cho biết ông sẽ cố gắng đưa ra đề xuất càng sớm càng tốt, và khuyến khích tranh luận vào mùa thu tới. Nỗ lực đó không chỉ được thúc đẩy vì vụ ám sát ông Abe mà cả những lo ngại về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Khoảng 58% người trả lời cuộc khảo sát do báo Yomiuri thực hiện trong tháng này cho biết họ có kỳ vọng tích cực đối với cuộc tranh luận về sửa đổi hiến pháp.

“Ông ấy đang ở vị thế tốt để thúc đẩy việc này. Ông ấy được coi là người tự do, nên nếu ông ấy có nói: ‘Hãy sửa hiến pháp’, mọi người cũng sẽ không nói rằng Nhật Bản sẽ trở nên quân chủ hơn”, ông Narushige Michishita, giáo sư chuyên nghiên cứu về an ninh tại Viện Nghiên cứu chính sách sau đại học, nói về ông Kishida.

Tuy nhiên, đến khi ông Kishida đưa ra đề xuất, sự quan tâm của dư luận có thể đã giảm nhiều. Những người tham gia cuộc khảo sát của báo Yomiuri thực hiện đã xếp vấn đề sửa hiến pháp dưới các vấn đề kinh tế, việc làm và lạm phát, trong danh sách 10 lựa chọn mà họ muốn Thủ tướng Kishida ưu tiên.

Sửa đổi Điều 9 để hợp pháp hóa vai trò của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản có thể sẽ được những người ủng hộ LDP chờ đợi. Nhật Bản có 250.000 binh lính, vài trăm máy bay chiến đấu và vài chục tàu chiến, nhưng hoạt động của họ bị luật pháp khống chế.

Tuy nhiên, sửa đổi Điều 9 có thể đẩy đảng liên minh Komeito ra xa. Hầu hết nghị sĩ ủng hộ đạo Phật của Komeito không muốn thay đổi Điều 9, theo kết quả khảo sát do báo Mainichi thực hiện.

Sửa hiến pháp Nhật Bản cũng sẽ vấp phải phản ứng mạnh từ Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh vốn đã lo ngại về kế hoạch của Thủ tướng Kishida về việc tăng mạnh ngân sách để nâng cấp Lực lượng phòng vệ.

Ứng phó với làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới, khống chế lạm phát và ổn định nguồn cung năng lượng của Nhật Bản sẽ là những vấn đề được ưu tiên cao trong chương trình nghị sự của ông Kishida trong những tháng tới, Thủ tướng Nhật cho biết trong cuộc họp báo tuần trước.

Sửa hiến pháp là nhiệm vụ xếp sau những ưu tiên đó, và ông Kishida cần phải giữ vấn đề này trong tầm tay, vì bất kỳ đề xuất nào cũng phải đến từ quốc hội chứ không phải từ chính phủ.

Theo Japan Times
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.