Thủ tướng Nhật Bản thăm nhà máy Fukushima trước khi xả nước nhiễm xạ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hôm nay (20/8), Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ có chuyến thăm ngắn tới nhà máy hạt nhân Fukushima, nơi bị sóng thần tàn phá năm 2011, để nhấn mạnh sự an toàn của việc xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý xuống Thái Bình Dương.
Thủ tướng Nhật Bản thăm nhà máy Fukushima trước khi xả nước nhiễm xạ ảnh 1

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. (Ảnh: Reuters)

Chuyến thăm diễn ra vài giờ sau khi ông trở về từ hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc tại Trại David của tổng thống Mỹ. Trước khi rời Washington hôm 18/8, Thủ tướng Kishida cho biết đã đến lúc đưa ra quyết định về ngày xả nước thải.

Kể từ khi Chính phủ Nhật Bản công bố việc xả nước từ 2 năm trước, kế hoạch này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các tổ chức đánh cá Nhật Bản vì lo ngại sẽ gây thiệt hại lớn cho danh tiếng của họ, sau nhiều năm phải vật lộn để phục hồi sau thảm hoạ. Các nước láng giềng như Hàn Quốc và Trung Quốc cũng đã nêu quan ngại, biến nó thành một vấn đề chính trị và ngoại giao.

Chính phủ Nhật Bản và hãng điều hành là Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) cho biết nước phải được xả đi để thực hiện việc ngừng hoạt động của nhà máy và ngăn chặn sự cố rò rỉ từ các bể chứa, vì phần lớn nước vẫn bị ô nhiễm và cần được xử lý thêm.

Nhật Bản đã nhận được sự đồng ý từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về tính minh bạch và độ tin cậy, cũng như đảm bảo kế hoạch của TEPCO đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế.

Trong báo cáo cuối cùng đưa ra vào tháng 7 vừa qua, IAEA kết luận rằng kế hoạch của TEPCO, nếu được thực hiện đúng như thiết kế, sẽ gây ra tác động không đáng kể đến môi trường và sức khỏe con người.

Trong khi nỗ lực thuyết phục dư luận chấp thuận, Chính phủ Nhật Bản cũng nỗ lực để giải thích kế hoạch với Hàn Quốc để ngăn vấn đề ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước.

Chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol gần đây thể hiện ủng hộ kế hoạch của Nhật Bản, nhưng vấp phải chỉ trích trong nước. Trong một cuộc họp báo chung tại Trại David, Tổng thống Yoon cho biết ông ủng hộ đánh giá an toàn của IAEA đối với kế hoạch nhưng nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần đảm bảo sự minh bạch.

Thủ tướng Kishida, cho biết các nỗ lực tiếp cận cộng đồng đã có tiến triển, nhưng không đề cập đến ngày bắt đầu xả nước, dù dự kiến sẽ vào cuối tháng 8 này.

Báo chí trong nước cho biết, Thủ tướng Kishida sẽ gặp đại diện của các nhóm nghề cá trước khi chính phủ quyết định ngày xả nước tại cuộc họp vào tuần tới.

Trong chuyến thăm nhà máy hôm nay, ông dự kiến sẽ khảo sát cơ sở lọc và pha loãng nước thải, gặp Chủ tịch TEPCO Tomoaki Kobayakawa và các quan chức cấp cao khác.

Trận động đất và sóng thần khủng khiếp vào ngày 11/3/2011 đã phá hủy hệ thống làm mát của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, khiến 3 lò phản ứng tan chảy và làm ô nhiễm nước làm mát.

Các nhà khoa học đồng ý rằng tác động môi trường của nước thải đã qua xử lý sẽ không đáng kể, nhưng một số kêu gọi phải chú ý nhiều hơn đến hàng chục loại hạt nhân phóng xạ hàm lượng thấp còn sót lại trong đó.

Theo AP
MỚI - NÓNG
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
TPO - Kết thúc kỳ nghỉ lễ 5 ngày, chứng khoán trong nước sẽ trở lại giao dịch vào ngày mai (2/5). Dù VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm, nhưng chuyên gia cho rằng nhịp điều chỉnh chưa xác nhận kết thúc. Thị trường sẽ có các nhịp rung lắc, nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tranh thủ nhịp hồi phục sắp tới để cơ cấu, hạ tỷ trọng về mức an toàn.
Quấy rối nhìn từ vụ ồn ào ở Nhã Nam
Quấy rối nhìn từ vụ ồn ào ở Nhã Nam
TPO - Sau vụ lùm xùm về quấy rối tình dục ở Nhã Nam, chắc hẳn nhiều doanh nghiệp cũng nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng một bộ quy tắc về ứng xử nội bộ và thường xuyên nâng cao nhận thức cho cán bộ nhân viên về quấy rối tình dục, không để đời sống riêng của cá nhân ảnh hưởng xấu tới tập thể và thương hiệu.