Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin. Ảnh: Tass |
“Ngay từ đầu, phương Tây đã cố gắng thuyết phục rằng các lệnh trừng phạt sẽ không nhắm vào công dân Nga. Nhưng giờ đây, ngay cả một người xa rời chính trị toàn cầu cũng hiểu rằng mục tiêu chính của các lệnh trừng phạt chính là người dân Nga”, Thủ tướng Mishustin nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Duma Quốc gia.
Ông cho rằng phương Tây “dùng mọi phương thức”, thậm chí “cho phát nổ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream (cáo buộc của Nga mà phương Tây phủ nhận) và tịch thu các tài khoản ngân hàng”.
Ngoài ra, họ còn “ngắt kết nối của Nga với hệ thống thanh toán quốc tế, cố gắng chặn các hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh tế khác”, ông Mishustin chỉ ra.
Thủ tướng Nga nhấn mạnh rằng bất chấp các lệnh trừng phạt, “các khoản thanh toán hàng hoá và dịch vụ cũng như chuyển tiền vẫn đang được tiến hành như trước đây”.
“Tất cả các thẻ ngân hàng được sử dụng trước đây ở Nga vẫn đang hoạt động. Chính phủ cũng đã cố gắng giảm áp lực lạm phát và duy trì sự ổn định của ngành ngân hàng", Thủ tướng Mishustin nói.
Ông nhớ lại rằng vào mùa xuân năm ngoái, "các nhà phân tích đã dự đoán tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga có thể sụt giảm ở mức hai con số", nhưng "chúng ta đã vượt qua cơn bão". "Đó là một nhiệm vụ khó khăn. Suy thoái kinh tế, vốn không thể tránh khỏi trong điều kiện như vậy, là khá nhẹ. Chúng ta đã đưa nền kinh tế trở lại đà tăng trưởng”, ông nói thêm.
Thủ tướng Nga cho biết chính phủ đã tạo ra “tất cả các điều kiện làm việc cần thiết cho những công ty nhìn thấy triển vọng ở Nga, bao gồm cả những công ty từ các quốc gia không thân thiện”.
"Bất chấp mọi hạn chế, việc bị phủ nhận quyền sở hữu và các biện pháp phân biệt đối xử mà các doanh nghiệp Nga phải đối mặt ở phương Tây, các công ty nước ngoài vẫn cảm thấy thoải mái khi làm việc tại Nga", ông Mushustin lưu ý.
Ông cảnh báo rằng “nếu các công ty nước ngoài ngừng hoạt động kinh doanh ở Nga và không quan tâm đến tương lai của doanh nghiệp, nhân viên của họ, thì chúng ta sẽ bảo vệ lợi ích của người dân Nga”.
Thủ tướng nhận định “áp lực bên ngoài” đối với nền kinh tế Nga khó có thể có dấu hiệu giảm bớt trong thời gian tới, và “thời kỳ thích ứng của nền kinh tế sẽ kết thúc vào năm 2024”.
Năm ngoái, chính phủ các nước phương Tây bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với nền kinh tế Nga sau khi xung đột bùng phát ở Ukraine. Tuy nhiên, những biện pháp này cuối cùng đã ảnh hưởng đến chính nền kinh tế của phương Tây khi kéo theo lạm phát tăng cao và giá năng lượng tăng vọt lên mức cao kỷ lục.