Chiều nay (29/4) tại TPHCM, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo thông tin kết quả hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam – động lực phát triển kinh tế của đất nước” diễn ra sáng cùng ngày.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà chủ trì buổi họp báo.
Trả lời báo chí về vụ cá chết bất thường tại các tỉnh Miền Trung trong mấy ngày qua, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã xác định đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng. Sự quan tâm của nhân dân và dư luận xã hội rất lớn. Sau khi vụ việc xảy ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều công điện, văn bản trực tiếp chỉ đạo với tinh thần rất quyết liệt.
“Thủ tướng giao Bộ Công an tập trung thu thập chứng cứ, nếu phát hiện có vi phạm hình sự thì kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật Việt Nam và kiên quyết làm đến cùng. Chỉ đạo của Thủ tướng là phải quyết liệt, kiên quyết và khoa học để trả lời dư luận nhân dân” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Ông Dũng cho biết thêm trong khi xác minh, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương xác định mức độ thiệt hại của các hộ dân để có chính sách hỗ trợ người bị thiệt hại với tinh thần không để người dân thiếu đói, đồng thời nghiêm cấm vận chuyển, kinh doanh hải sản chết nhằm đảm bảo sức khoẻ người dân; hướng dẫn các địa phương và người dân tiếp tục nuôi trồng hải sản tại những khu vực không bị ảnh hưởng.
Chia sẻ sự quan ngại của dư luận trước nguy cơ ô nhiễm biển, có thể gây ra từ nhà máy thép Formosa, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết: Đến nay chưa nhận được nguyên nhân chính thức gây ra tình trạng cá biển chết hàng loạt có mối liên hệ với dự án Formosa.
Ông Đông nói các dự án xin cấp phép luôn có một quy trình thẩm định rất kỹ về vấn đề xử lý môi trường và khi dự án đi vào xây dựng cũng như đi vào hoạt động đều có quy định về quy trình quy chuẩn.
"Tôi khẳng định không bao giờ có chủ trương đánh đổi môi trường để lấy dự án" – Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.
Về tình trạng số doanh nghiệp phá sản, giải thể hiện nay tăng cao, ông Đặng Huy Đông đã nhiều lần giải thích về thống kê số doanh nghiệp (DN) đăng ký mới, đóng cửa theo từng tháng. Nếu số DN gia nhập thị trường lớn hơn số DN giải thể, ngưng hoạt động thì tình hình vẫn ổn. DN rút khỏi thị trường vì nhiều lý do, không hẳn DN rút khỏi thị trường là yếu, chết.
“Thống kê của các quốc gia trên thế giới cũng chỉ ra xu thế này là bình thường. Nếu nền kinh tế tốt thì gia nhập thị trường 15%, rút khỏi thị trường 11-12%; nếu kinh tế xấu thì rút 14%. Còn về trách nhiệm Bộ đến đâu theo cách tiếp cận của Luật DN mới thì việc gia nhập thị trường là đơn giản nhất, dễ nhất cho DN. Trong số 900.000 DN đang hoạt động, không cơ quan nào kiểm tra được các DN này khỏe hay không khỏe", ông Đông nói.
Tại buổi họp báo, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc tiết lộ sau cuộc gặp mặt của Thủ tướng ông đã nhận được trên 100 tin nhắn các nơi từ các nơi gửi về. Các DN nhà nước rất phấn khởi, nhiều DN đã cho biết các Bộ trưởng quan trong nhất của đất nước đã cam kết tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. Cuộc gặp của Thủ tướng như thế này không thể giải quyết được hết mọi vấn đề, mọi thắc mắc hay kiến nghị các vụ việc cụ thể của DN nhưng vấn đề quan trọng nhất là nó mang một thông điệp rất là lớn là Chính phủ quan tâm đến doanh nghiệp, tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
“Thủ tướng đã nói sau cuộc gặp với các ban ngành chiều nay là cần làm rõ tất cả mọi kiến nghị của các DN. Phải làm cho tới nơi, tới chốn và không được để như "nước đổ đầu vịt". Thủ tướng đã dùng hình ảnh như thế để khẳng định sự quyết tâm của Chính phủ trong việc tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các DN” – ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.