Thủ trưởng Nguyễn Chí Vịnh là người cha, người thầy lớn của tôi

TPO - “Tôi xin phép được gọi thủ trưởng Nguyễn Chí Vịnh là chú, bởi từ lâu tôi đã coi thủ trưởng như người cha, người chú và cũng là người thầy lớn của tôi. Tôi có thể thoải mái chia sẻ cũng như xin ý kiến chú về những khó khăn trong công việc hay cuộc sống và luôn nhận được những lời khuyên chân thành, cởi mở giúp tôi tiến bộ, trưởng thành”, Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga bùi ngùi chia sẻ.

Là nữ sĩ quan Việt Nam đầu tiên được cử đi thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (GGHB LHQ) với vai trò Sĩ quan Tham mưu phụ trách theo dõi các hoạt động quân sự tại Phái bộ GGHB LHQ ở Nam Sudan vào năm 2018, Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga - Ủy viên T.Ư Hội LHPN Việt Nam, Phó trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế (Cục GGHB Việt Nam) luôn xem Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là người thầy lớn của mình.

Nghiêm khắc và bao dung

Thượng tá Hằng Nga kể: “Lần đầu tiên tôi được gặp Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là vào thời điểm mới được điều chuyển công tác về Trung tâm GGHB Việt Nam (nay là Cục GGHB Việt Nam). Ấn tượng của tôi khi đó là kính trọng, khâm phục, ngưỡng mộ nhưng cũng thấy hơi sợ vì nét mặt chú nghiêm khắc, lạnh lùng, ít cười. Nhưng khi cười thì rất tươi, hiền hậu và bao dung”.

Thủ trưởng Nguyễn Chí Vịnh là người cha, người thầy lớn của tôi ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh trao quyết định của Chủ tịch nước cử Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga (khi đó mang quân hàm thiếu tá) đi làm nhiệm vụ GGHB LHQ, tháng 10/2017. Ảnh: Nguyễn Minh

Theo Thượng tá Hằng Nga, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là một trong những người sáng lập và đặt nền móng cho những bước đi đầu tiên của lực lượng GGHB Việt Nam. Ông đã dành nhiều tâm huyết, công sức để lực lượng mũ nồi xanh “made in Việt Nam” phát triển được như ngày hôm nay.

“Sau này, thông qua công việc, tôi có cơ hội được gần gũi, hiểu thêm về chú nhiều hơn. Chú là người quyết liệt, nghiêm khắc trong công việc, luôn có những hành động quyết đoán, nói đi đôi với làm. Nhưng chú cũng rất tâm lý và quan tâm đối với cấp dưới trong cuộc sống thường ngày, điều mà không phải vị tướng nào cũng có thể làm được”, Thượng tá Hằng Nga nhớ lại.

Cuối năm 2017, tại trụ sở Bộ Quốc Phòng, diễn ra một sự kiện mang dấu ấn lịch sử của lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam và cũng là khoảnh khắc rất đặc biệt trong đời binh nghiệp của Thượng tá Hằng Nga. Hôm đó, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động GGHB LHQ) đã trao quyết định của Chủ tịch nước cho chị - nữ sĩ quan Việt Nam đầu tiên đi làm nhiệm vụ GGHB LHQ.

Thủ trưởng Nguyễn Chí Vịnh là người cha, người thầy lớn của tôi ảnh 2

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga tại trụ sở Liên minh châu Âu trong một chuyến công tác, tháng 5/2019. Ảnh: NVCC

Thượng tá Hằng Nga chia sẻ: Thời điểm đó, chị mang quân hàm Thiếu tá. Trước khi chị lên đường, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh không muốn tạo áp lực cho chị, nên những lời dặn dò của ông là những lời chân tình, lo lắng tận đáy lòng của người cha dành cho đứa con đi xa, chứ không phải của một thủ trưởng giao nhiệm vụ cho cấp dưới.

“Điều khiến tôi nhớ mãi là chú cho tôi thấy được trong những lời dặn dò trước khi tôi lên đường, rằng tôi có thể toàn tâm, toàn ý cho công việc. Việc gia đình, chăm sóc con cái, chú sẽ luôn đảm bảo có các cơ quan của Cục GGHB chăm lo, hỏi thăm, động viên kịp thời để tôi an tâm công tác. Sau này, khi hoàn thành nhiệm vụ trở về, báo cáo thành tích với chú, tôi càng thấu hiểu được ý nghĩa và tình cảm của chú lúc đó. Qua đó, tôi càng thêm khâm phục, kính trọng chú và thấy mình thật may mắn”, Thượng tá Hằng Nga kể.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (sinh năm 1957) nguyên là Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Ủy viên Thường vụ Quân ủy T.Ư, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Sau một thời gian lâm bệnh nặng, ông đã từ trần vào rạng sáng ngày 14/9/2023. Để tỏ lòng thương tiếc và ghi nhận những công lao, cống hiến của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam; Quân ủy T.Ư - Bộ Quốc phòng quyết định tổ chức lễ tang Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh theo nghi thức Lễ tang Cấp cao.

Quan tâm cấp dưới, bình dị đời thường

Một trong rất nhiều điều ấn tượng của Thượng tá Hằng Nga về Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là lần ông sang Nam Sudan (năm 2019) thăm và kiểm tra hoạt động của Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam tại khu vực Bentiu. Thời điểm đó, bệnh viện dã chiến mới đi vào hoạt động, nên còn nhiều khó khăn trong việc đảm bảo đời sống cho cán bộ, nhân viên. Đặc biệt là các nữ quân nhân đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn tại địa bàn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thủ trưởng Nguyễn Chí Vịnh là người cha, người thầy lớn của tôi ảnh 3

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius tham quan trang thiết bị dành cho Bệnh viện dã chiến cấp 2, do phía Mỹ viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, tháng 8/2017. Ảnh: Nguyễn Minh

Thấu hiểu và cảm thông trước những khó khăn của “đội quân tóc dài”, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh đã quan tâm đến những việc nhỏ nhất, để giúp đời sống của các nữ quân nhân đang thực hiện nhiệm vụ xa Tổ quốc được cải thiện hơn.

Khi đó, nguồn nước sạch ở Nam Sudan nơi bệnh viện dã chiến đóng quân thường xuyên không đủ để đảm bảo sinh hoạt hàng ngày. Khu vệ sinh nữ ở xa khu nhà ở nên việc đi lại rất khó khăn trong mùa mưa và thường có nhiều rắn rết. Sau chuyến thị sát đó, trở về Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã có ý kiến để Bộ Quốc phòng có những điều chỉnh kịp thời về chế độ phụ cấp cho các nữ quân nhân nhằm động viên tinh thần chị em.

Theo Thượng tá Hằng Nga, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là người có tầm nhìn sắc bén. Lực lượng GGHB Việt Nam dù “tuổi đời” chưa nhiều, nhưng qua 9 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển đã đạt được những thành công như ngày hôm nay là nhờ tầm nhìn xa sắc bén và sự quyết tâm của ông. Đồng thời, ông cũng là con người giàu tình cảm, trọng đạo lý. Dù là một tướng lĩnh cấp cao, song ông luôn tôn trọng cấp dưới, luôn tạo điều kiện giúp họ phát huy sở trường, hạn chế điểm yếu để hoàn thành tốt nhiệm vụ và thành công trong sự nghiệp.

Thủ trưởng Nguyễn Chí Vịnh là người cha, người thầy lớn của tôi ảnh 4

Cuốn sách Người Thầy do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chấp bút viết và gửi tặng Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga. Ảnh: NVCC

Đối với Thượng tá Hằng Nga, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là người đa tài, hầu như lĩnh vực nào ông cũng biết và giỏi. Khi chị hoàn thành nhiệm vụ lần đầu tiên ở Nam Sudan, về nước công tác, chị lại có nhiều cơ hội được tham gia đoàn tháp tùng “thủ trưởng Vịnh” đi công tác trong và ngoài nước. Mỗi lần trò chuyện với ông là một cơ hội cho chị được nghe, thấm và học hỏi rất nhiều kiến thức.

“Chú Vịnh là một vị tướng bình dị, rất đời thường. Sau mỗi ngày làm việc căng thẳng, giờ ăn tối là thời gian vui vẻ và ấm cúng nhất, khi chúng tôi quây quần bên thủ trưởng. Chú hỏi han cuộc sống của từng người và kể những câu chuyện tiếu lâm khiến chúng tôi cười sảng khoái. Nhưng sau những tiếng cười đó cũng là những bài học mà tôi có thể suy ngẫm thành kinh nghiệm sống quý giá”, Thượng tá Hằng Nga nói.

Thủ trưởng Nguyễn Chí Vịnh là người cha, người thầy lớn của tôi ảnh 5

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cùng các đại biểu và Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga (ngoài cùng bên phải) tại chương trình giao lưu, tặng hiện vật với chủ đề “Khát vọng hòa bình” cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, tháng 1/2023. Ảnh: NVCC

Trong những tháng cuối nhiệm kỳ ở Nam Sudan giữ vai trò Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 Việt Nam (từ tháng 5/2022 đến tháng 7/2023), Thượng tá Hằng Nga luôn nâng niu cuốn sách Người Thầy mà Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh gửi sang Nam Sudan tặng chị vào tháng 2/2023. “Cuốn sách được chú hoàn thành bằng tâm huyết trong thời gian cuối cùng của đời mình, để tri ân người thầy tình báo là Thiếu tướng Ba Quốc (tên thật là Đặng Trần Đức, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân). Tôi xem cuốn sách như một cẩm nang quý giá về công việc và tình người thiêng liêng nhất. Đây cũng là kỷ vật để tôi luôn nhớ về người cha, người chú, người thầy Nguyễn Chí Vịnh của mình”, Thượng tá Hằng Nga chia sẻ.

Tin liên quan