Thủ khoa “4 không”
Không Facebook, không điện thoại, không biết chơi game, không có máy tính… đây là những điều dường như rất khác biệt đối với học sinh thời nay, nhưng với Vương Xuân Hoàng lại là chuyện bình thường.
Ông Vương Trường Sơn, bố Hoàng kể: Thực ra Hoàng có điện thoại từ năm lớp 11 do bố cho nhưng hầu như không bao giờ sử dụng. Đến tận cuối năm lớp 12, các bạn trong lớp mới biết là Hoàng có điện thoại. Tổng số tiền mà Hoàng chi phí cho điện thoại trong suốt 2 năm qua là… 20.000 đồng. “Có lần một giáo viên chủ nhiệm có ý trách tôi là không quan tâm đến con cái vì không có máy tính để Hoàng tham gia giải toán trên mạng. Sau bữa đó, hai bố con lần đầu tiên đặt chân vào quán Internet ở gần nhà để giải toán. Thời điểm đó đã là tuần thứ 23 của kỳ giải toán trên mạng nhưng chỉ vài ngày sau, Hoàng đã đuổi kịp các bạn”, ông Sơn nhớ lại.
Sau này, ông Sơn cũng chưa sắm cho Hoàng chiếc máy tính riêng. Những lúc ông ở nhà, Hoàng hay dùng điện thoại của bố để vào mạng. “Tưởng con vào để đọc báo hay chơi game nhưng không phải. Những lần dùng máy điện thoại của bố để vào mạng, Hoàng chỉ chăm chăm vào mấy trang web có đề bài tham khảo”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, Hoàng ở nhà là cậu bé khá trầm tính, ít nói. “Có thể là hai bố con chênh lệch khoảng cách tuổi tác khá xa (ông Sơn sinh năm 1962) nên những câu chuyện cũng không hợp nhau. Nhưng khi đến lớp thì Hoàng luôn là một người vui vẻ, hoạt bát, tâm điểm của nhiều trò vui với những câu nói dí dỏm làm các bạn phải phì cười”, ông Sơn cho biết.
Cũng theo ông Sơn, đây có thể bắt nguồn từ việc Hoàng rất thích xem phim hoạt hình. Những mẩu đối thoại ngộ nghĩnh, dí dỏm và hồn nhiên trong các bộ phim hoạt hình khiến Hoàng rất thích thú. “Nếu muốn Hoàng làm việc gì thì tốt nhất nên để gần chiếc ti vi đang phát phim hoạt hình, nó có thể vừa làm vừa xem phim được”, ông Sơn nói.
Ước mơ trở thành một lập trình viên
Cuối năm lớp 12, tổng điểm trung bình 3 môn khối A của Vương Xuân Hoàng khiến ai cũng phải ngưỡng mộ: Toán 9,8 - Lý 9,9 - Hóa 9,9. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, Vương Xuân Hoàng đạt tổng điểm 29,05, trong đó Toán 9,8 - Vật lý 9,5 - Hóa học 9,75, trở thành thủ khoa khối A toàn quốc. Thế nhưng, Hoàng vẫn tiếc nuối về kết quả của mình bởi câu hỏi dễ “ăn điểm” nhất trong bài thi môn Hóa học thì lại làm sai. Và cái sai dạng này đã thường xảy ra với Hoàng từ khi còn học cấp 3. “Cô giáo đã từng thử nhiều bài thi với Hoàng, trong đó có một câu đánh dấu đúng sai vào các kết quả đơn giản kiểu như 5+2=7 hay 5+2=8 thì Hoàng thường đánh vào ô đúng là 5+2=8, rồi sau đó quay sang làm ngay những câu khó”, ông Sơn kể.
Hỏi về bí quyết để học giỏi, Hoàng cười ngượng nghịu: “Em không có bí quyết gì cả!”. Mỗi ngày Hoàng chỉ dành ra khoảng 2 tiếng cho việc học. Vào giai đoạn ôn thi Hoàng thường dành khoảng 4 tiếng mỗi ngày. Khi học, Hoàng hoàn toàn tập trung. Phim hoạt hình dù hay đến mấy nhưng cứ đúng giờ là tắt đi để học bài. “Em may mắn có một cô giáo chủ nhiệm dạy môn Vật lý giỏi và kiên trì. Cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên dạy giỏi xuất sắc cấp tỉnh môn Vật lý. Cô đã dành nhiều thời gian, công sức để chăm chút, kèm cặp cho em”, Hoàng nói.
Bố Hoàng làm thợ cơ khí, mẹ bán bánh mì trước cửa nhà. Kinh tế gia đình không có gì là khá giả nhưng nỗ lực của Hoàng đã khiến cho nhiều người ở đất học Kinh Bắc phải ngưỡng mộ. Ngay sau khi kết quả được công bố, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã tặng Bằng khen cho Vương Xuân Hoàng. Hiện Hoàng đang cố gắng vượt qua kỳ thi vào lớp kỹ sư tài năng của Đại học Bách khoa Hà Nội với mong muốn trở thành một lập trình viên trong tương lai.
“Ước mơ của em là trở thành một lập trình viên trong tương lai. Ban đầu bố mẹ khuyên đi học Y nhưng em thấy mình hợp với việc nghiên cứu khoa học nên đã quyết định học tại trường Ðại học Bách khoa Hà Nội, khoa Công nghệ thông tin”.
Vương Xuân Hoàng